Nhờ bố thí mới cứu được mạng

Chia sẻ ngay

Từ Bi là gì ?

Như đã giải thích trong phần nhập đề trên đây, Từ bi không phải vỏn vẹn là một “đức tính” dù đó là “đức tính từ tâm”, cũng không phải là một thứ “xúc cảm”, say mê hay đam mê (passion) theo ngôn từ Tây phương. Từ bi cũng không phải là một thứ “tình cảm thụ động” làm ta tê liệt trước khổ đau của chúng sinh, cũng không hẳn là một “khuynh hướng tinh thần” muốn chia bớt và nhận chịu khổ đau của kẻ khác.

Vậy Karunâ hay Từ bi trong Phật giáo là gì ?

Karunâ trong Phật giáo là khả năng nhận thức rằng mọi sinh linh có giác cảm, từ con người cho đến đến các sinh vật khác đều gánh chịu khổ đau, khi nào tất cả các sinh linh ấy chưa được Giác ngộ và Giải thoát, thì Từ bi chính là ước vọng mảnh liệt thúc đẩy ta phải Giải thoát cho tất cả mọi chúng sinh, trong đó có cả ta, ra khỏi khổ đau.

Vì thế Từ bi không có nghĩa đơn giản là “xót thương” kẻ khác một cách thụ động và tiêu cực, mà ngược lại Từ bi là một sức mạnh tích cực đưa ta thẳng vào hành động, trong mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của khổ đau.

Khi Phật Thích-ca Mâu-ni đạt được Giác ngộ, quyết tâm và phát nguyện đầu tiên của Ngài chính là Karunâ, tức là lòng Từ bi, Ngài quyết định thuyết giảng cho chúng ta “Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau” (tức là Đạo đế, điều thứ tư trong Tứ diệu đế).

Khía cạnh cao đẹp của Từ bi hay Karunâ cũng là một trong những chân lý cao cả hơn hết của Đạo Pháp : khổ đau không phải là một định mệnh, khổ đau có thể tránh khỏi, ta có thể tự giải thoát được, và tất cả mọi chúng sinh đều có thể thực hiện được sự Giải thoát đó, không phải chỉ riêng có Phật mà thôi (đây là các điều 1,2 và 3 trong Tứ diệu đế : Khổ đế, Tập đế và Diệt đế).

Nếu không có Từ bi, biết đâu có thể cũng không có Phật, cũng không có Đạo Pháp và cũng chẳng có Tăng đoàn. Vì sao vậy, vì chính Phật là Từ bi, chính Phật lại giảng cho ta Đạo Pháp của Từ bi và Tăng đoàn đứng ra duy trì Đạo Pháp. Từ bi chính là hiện thân của Tam bảo. Có thể nói Từ bi chính là sự Giác ngộ vậy.

Đến đây, ta có thể nhận thấy Từ bi không phải đơn giản chỉ có sự xót thương và chia xẻ khổ đau với kẻ khác, dù cho đi kèm với bố thí cũng thế. Từ bi trong Đạo Phật cao cả lắm, tích cực lắm và mảnh liệt hơn những gì ta hiểu một cách thông thường. Từ bi là một sức mạnh thiêng liêng, siêu việt đưa đến Trí Tuệ. Nhưng Trí Tuệ là gì ? Trí Tuệ là một khí cụ toàn năng giúp ta xóa bỏ Vô minh. Xoá bỏ Vô minh tức là đạt được Giác ngộ. Đạt được Giác ngộ tức là thành Phật.

Đối với các trường phái Phật giáo Nam tông, chẳng hạn như Phật giáo Theravada, Từ bi chứng thực và bảo đảm hành giả là một “đệ tử đích thực” của Phật, một “người con” của Phật, một người biết giữ gìn Giới luật, biết trau dồi một tâm thức tích cực bằng Bốn Phạm Trú (còn gọi là Tứ Vô lượng tâm). Bốn Phạm trú ấy là Từ vô lượng (maitrî) : tâm lành hướng về mọi chúng sinh ; Bi vô lượng (karunâ) : xót thương và cứu giúp tất cả chúng sinh ; Hỷ vô lượng (muditâ) : tâm thức vui mừng và hân hoan khi nhận thấy những đìều lành của chúng sinh ; Xả vô lượng (upeksâ) : buông thả tất cả những gì của chính ta cho chúng sinh (chữ này được giải thích hơi khác trong các kinh sách Tây phương : chữ Upeksâ được dịch ra tiếng Pháp là Equanimité, tức tâm thức trong sáng, bình đẳng không phân biệt và kỳ thị).

Đại Từ, Đại bi, Đại hỷ và Đại xả là bốn liều thuốc hoá giải chống lại những thái độ sai lầm. Đại từ hoá giải ý nghĩ “sống chết mặc bay”, Đại bi hóa giải ý nghĩ “mặc kệ họ cứ đau khổ, chẳng dính líu gì đến ta”. Đại hỷ không cho phép ta cảm thấy “càng thích thú khi kẻ khác gánh chịu sự đau khổ, đáng đời cho họ”. Đại xả đem đến cho ta những xúc cảm trong sáng và bình đẳng, hoá giải ý nghĩ “cái này của ta, của gia đình ta, của bạn bè ta, không tội gì mà buông xả cho người dưng nước lã hay vì kẻ khác”.

Phật giáo Tây tạng thường đưa ra hình ảnh sau đây để giải thích thế nào là lòng Từ bi và thế nào là một cái nhìn đúng đắn. “Nếu có một người cầm gậy đánh ta, ta không kết tội chiếc gậy đã làm cho ta phải đau đớn, ta cũng không kết tội kẻ đã cầm gậy đánh ta,…mà ta phải kết tội sự nóng giận đang chi phối, thúc đẩy và hành hạ người đang cầm gậy đánh ta”. Nếu ta biết kết tội sự nóng giận đang giày vò người cầm gậy, tức là ta phát lộ lòng Từ bi đối với họ. Chính hận thù và giận dữ đang tàn phá họ và làm cho họ khổ đau. Từ bi buộc ta phải giúp họ trút bỏ sự giận dữ và hận thù trong lòng họ và quên đi những đau đớn của ta.

Đấy là một cái nhìn đúng đắn, cái nhìn của một người con Phật. Từ bi là như thế, không phải đơn giản là một thứ tình cảm xót thương.

Nói chung, Từ bi trong các trường phái Đại thừa là thái độ và cái nhìn đã được trình bày trên đây. Đó là phẩm tính cao cả của người Bồ-tát, là trọng tâm của sự Giác ngộ. Từ bi được tượng trưng bởi Phật A-Di-Đà (Phật giáo Nhật bản gọi là Amiba), và bởi Bồ-tát Quán-Thế-Âm, tiếng Phạn là Avalokiteshvara, danh hiệu tiếng Phạn của Ngài là Lokesvara. Phật giáo Tây tạng gọi Quán Thế Âm là Tchenrezi, Phật giáo Trung hoa gọi là Quan Âm (Guanyin), Phật giáo Nhật bản gọi là Kannon. Quan Âm trong Phật giáo Trung hoa, Nhật bản, Việt Nam… được tượng trưng bằng một người phụ nữ. Kể lể như thế để ta có thể hình dung Từ bi trong Phật giáo nói chung, kể cả Nam tông và Bắc tông, có tầm quan trọng như thế nào. Từ bi chẳng những là thức ăn nuôi dưỡng người Bồ-tát mà còn là sự biểu lộ của Phật tính, của Giác ngộ nữa. Trong phần thứ hai dưới đây ta thử bàn rộng thêm về Từ bi xem sao.

Nhờ bố thí mới được cứu mạng

Thủ Huồng tên thật Võ Hữu Hoằng , theo chuyện kể thì ông là người châu Đại Phố (tức Cù lao Phố), huyện Phước Chính, phủ Phước Long, nước Đại Nam (nay là Biên Hòa, Việt Nam).Theo Đại Nam nhất thống chí, ông có tên Võ Hữu Hoằng. Nhưng có nơi gọi là Thủ Huồng, Thủ Hoằng, Võ Thủ Hoằng.

Khoảng năm 1755, ở châu Đại Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm làm việc trong nha môn, ông đã thu được nhiều tiền của. Sau khi vợ mất sớm lại không con, mà tiền bạc thì quá thừa thãi, Thủ Huồng xin thôi việc về nhà.

Thủ Huồng rất yêu vợ, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ. Gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã nhìn thấy một cái gông to, mà cai ngục cho biết là để dành cho ông vì ông phạm tội ăn cắp.

Khi trở lại cõi dương, Thủ Huồng sợ bị đọa vào địa ngục, liền đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo tránh nước triều dâng ở ngã ba sông.

Sách Gia Định thành thông chí có ghi:

“Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh tên là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi, và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ…Vì kỵ húy tên vua Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Đại Thanh nên phải đọc trại đi là Võ Thủ Huồng. Chiếc cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn.

Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều. Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất. Khá lâu sau, có ông vua nhà Thanh (Trung Hoa) tên là Đạo Quang (1782-1850) lúc mới lên ngôi (1820) có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch một người ở Gia Định. Số là khi mới sinh, trong lòng bàn tay vua đã có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi rõ chuyện, nhà vua có gửi cúng chùa Chúc Thọ (chùa Thủ Huồng) ở Biên Hòa một bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương. Do việc này, mà có người bảo rằng: Nhờ thành thật hối lỗi, Thủ Huồng chẳng những làm tiêu tan cái gông đang chờ ông ở cõi âm, mà còn được đi đầu thai làm vua ở Trung Hoa.