Nội dung điếu văn tang lễ cụ ông

Chia sẻ ngay

Dưới đây mẫu lời truy điệu trong lễ tang Cụ Ông hay và ý nghĩa nhất mà chúng tôi đã chọn lọc. Mẫu điếu văn tang lễ cụ Ông được dùng khi sự kiện buồn không một ai mong muốn điều đó xảy ra trong cuộc sống này. Người ở lại tiễn một người chồng, người cha, một người ông nội, ngoại với niềm tiếc thương vô hạn, đặc biệt trong giây phút truy điệu thì nỗi buồn, nỗi đau đớn, xót xa ấy càng tăng lên gấp ngàn lần. Và trước giờ di quan, trong giờ truy điệu theo truyền thống của người Việt thường diễn ra thủ tục đọc điếu văn tang lễ.

Lễ an táng

Lễ an táng còn gọi là Lễ “Phát dẫn -–đưa ma”.

Được giờ tốt đã chọn, mới tiến hành lễ. Thực hiện lễ an táng có 4 việc theo trình tự sau:

Cúng lễ trước khi di quan

Đây là việc của gia đình. Thầy cúng hoặc tang chủ cùng con cháu nội ngoại thực hiện Lễ tiễn biệt người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.

Mọi người theo thế thứ trong nội ngoại gia tộc, xếp hàng trước bàn thờ vong. Thầy cúng hoặc tang chủ thực hiện các bước thắp hương dâng rượu, nước, trang nghiêm như lễ phát tang và đọc lời ai điếu tiễn biệt lần cuối. Con cháu thành kính vái lễ. Quá trình hành lễ, nhạc tang tùy lúc tấu lên khúc bi ai Lâm khốc.

Làm lễ truy điệu.

Đây là việc của Ban Lễ tang thay mặt Đoàn thể, chính quyền hoặc cơ quan đơn vị…làm sau lễ Khiển điện của gia đình. Bà con trong cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị… và bạn bè thân hữu tập trung trước bàn thờ vong.

Đại diện Ban Lễ tang lên tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và mời Trưởng ban Lễ tang lên làm chủ lễ.

Chủ lễ trang phục tề chỉnh, trịnh trọng tiến vào bàn thờ vong, thắp ba nén hương rồi vái hai vái. Tang chủ của gia đình đáp lễ cũng vái lại hai vái. Lúc này phường bát âm tấu lên khúc nhạc Lâm khốc não nùng! Mọi người lặng im trong không khí lễ tang.

Chủ lễ bắt đầu hành lễ, đọc điếu văn. Chủ lễ đọc điếu văn cần chú ý diễn đạt nỗi đau thương của mọi người, thực sự chân thành xúc động; bằng giọng đọc sâu lắng truyền cảm. Lúc hào hùng khi nói về sự nghiệp công lao đóng góp của người đã ra đi. Khi thiết tha da diết về nỗi đau mất mát một người thân yêu…(Tránh đọc điếu văn như đọc một bản báo cáo!)

Nội dung điếu văn chủ yếu nói về thân thế sự nghiệp. Công lao đóng góp của Cụ Ông với cộng đồng và xã hội. Công lao sinh thành dưỡng dục con cháu nội, ngoại trưởng thành. Phần thưởng được tặng…Nỗi đau buồn của gia đình và mọi người từ nay mất một người chồng, cha, người bạn v.v…

Tùy vị trí xã hội của người mất mà thực hiện nghi lễ theo quy định.

Cựu chiến binh được phủ quân kỳ lên quan tài. Các cựu binh mặc sắc phục nhà binh, đứng trực hai bên quan tài, theo hướng dẫn của quân đội.

Nội Dung điếu văn tang lễ Cụ Ông

Kính thưa hương hồn ông …

Kính thưa: Gia đình tang quyến

Kính thưa các cụ ông, các cụ bà, các ông các bà-Thưa toàn thể nhân dân có mặt trong phòng tang lễ.
Sáng ngày … tháng …. năm ….. một buổi sáng ảm đạm mưa lất phất bay chúng tôi nhận được hung tin ông …. đã trút hơi thở cuối cùng, bà con cô bác xóm làng bồi hồi bao nỗi xúc động xót xa thương tiếc, hôm nay Hội người cao tuổi….. cùng các cụ ông, các cụ bà, các ông, các bà , bạn bè thân bằng cố hữu gần xa, cùng toàn thể nhân dân làng Vân Cốc hội tụ nơi này để tiễn đưa người hàng xóm, người cha thân thương của các con, người ông yêu quý của các cháu, người Con của gia tộc họ ….. về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thế là:Than ôi !
Đất phủ màu tang
Trời nghiêng bóng xế.
Thân trần tục sắc không, không sắc, xót bấy bạch câu
Mảnh hình hài sinh tử, tử sinh buồn thay phù thế
Giận hóa công gây bấy tang thương
Trách con tạo bày chi định lệ
Tình Phụ tử nghìn thu vĩnh biệt, Cháu Con đây thương xót bấy nhà Thông
Cảnh âm dương đôi ngã chia lìa, Dâu Rể đó ngậm ngùi thương xót bố
Nhớ đồng tộc thân thương xưa:
Phúc hậu làm nền
Gia phong giữ lễ
Sống đời kiệm cần, quen tính siêng năng
Vốn nếp thuần lương, chọn đời nông nghiệp
Rời quê hương tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ khắp miền quê đất nước Việt Nam
Từ người lính trở về mang thương tật chiến tranh làm người nông dân thuần thuý được mọi người kính nể yêu thương, dân làng quí trọng
Dù ở cương vị nào Ông vẫn giữ:
Lời nói ôn tồn, tác phong nhã nhặn, sự giao du trên dưới chu toàn
Việc làm cần mẫn, thái độ ôn hòa, cách xử thế, ngoài trong độ lượng
Tạo đoàn kết xóm giềng, thương yêu giúp đỡ người nghèo khó ốm đau, hoạn nạn lúc sa cơ
Ngoài xã hội ông đã chu toàn bổn phận một công dân mẫu mực
Trong gia đình Ông đã làm tròn trách nhiệm một người Chồng, người Cha, người ông gương mẫu
Giúp con cháu tu rèn đạo đức dựng xây quê hương với cả tấm lòng chân thực yêu thương cống hiến trọn đời cho con cái.
Mừng con cháu chăm lo đèn sách, nghiệp bút nghiên chẳng thẹn với tiền nhân
Vui Dâu, Rể có được cơ ngơi, đời nông nghiệp hòa đồng cùng làng xóm
Cảnh gia đình, nhà êm cửa ấm, vun vén từ phước Mẹ thuở sinh tiền
Đường tử tôn, áo ấm cơm no, xuất phát bởi lộc Cha còn tiếp kế
Năm bảy tuổi, ông về miền Tiên Trúc, cuộc trăm năm đành đoạn chia ly
Suốt một đời ông nuôi con, dưỡng cháu mãi vững bền
2 trai 1 gái và 3 người Dâu Rể
Dù cuộc sống đa đoan, vất vả, ông không quên bạn bè một thời đời lính, họ hàng hết thảy đều khen
Ông đã sống đời Kiệm, Cần, Liêm, Chính, Tộc Họ, xóm làng ai cũng nể
Những tưởng một trăm năm dư hưởng thọ, sớm chiều thong thả bước vân du
Nào ngờ lâm bệnh hiểm nghèo 57 tuổi dứt trần, phút chốc phôi pha đường mệnh hệ
Suốt ngày thọ bệnh, Tây Y đã lắm thứ nhưng bệnh Ông không hề thuyên giảm
Trong lúc lâm sàng, Đông Dược cũng nhiều môn mà sức người chẳng khỏe

Ôi !
Chia cách âm dương
Đổi thay dâu bể
Năm …, tháng…. vĩnh biệt cõi trần
Ngày …. hồi ….. giờ ….. phút giã từ dương thế.
Can thường nghĩa trọng, Ông đã ra đi, con cháu chưa thỏa lòng dưỡng đáp
Phụ tử tình thâm, cây muốn lặng mà gió đâu ngừng.

Ôi ! Công dưỡng dục tày non, ơn sinh thành tựa bể
Cháu con sầu thảm, hoa nọ héo tàn
Cảnh vật tiêu điều, cây kia quạnh quẽ
Lời vàng đồng vọng, nhớ di ngôn, thổn thức tâm can
Sầu tủi ngổn ngang, xóm làng lưu luyến tiếc thương.
Nay linh cữu còn trong gia thất, trống khơi buồn, chiêng gợi nhớ, mong hương hồn siêu thoát cảnh tiêu diêu
Rồi xe tang đưa về chốn cửu tuyền, trầm tỏa ngát, hương bay xa, xót phần mộ yên nằm nơi lặng lẽ

“Thôi còn chi nữa mà mong,
Đời người thôi thế là xong một đời!”.
Bản thân ông sống sáng ngời,
Làm gương Con Cháu đời đời noi theo.

Trước bàn thờ khói hương bay toả, để tưởng nhớ tới ông và vĩnh biệt ông mãi mãi. Chúng tôi xin đề nghị các cụ, các ông các bà và toàn thể nhân dân có mặt trong phòng tang lễ để 1 phút mạc niệm.

Một phút!

Sau khi đọc phần điếu văn xong sẽ đến phần di quan

Di quan

Trước khi di quan, đại diện gia đình nói lời cảm ơn và xin được lượng thứ, có điều gì khiếm khuyết trong lúc tang gia bối rối.

Bà con trong nội tộc và bạn bè… cùng nâng quan tài bằng tay hoặc đặt trên vai, dưới sự chỉ huy của một người cầm hai thanh tre (phách) gõ hiệu lệnh. Yêu cầu làm sao cho quan tài luôn thăng bằng, đến mức chén rượu để trên nắp quan tài không sánh ra giọt nào. Khi di quan phải thật sự chậm rãi, từ từ từng nửa bước chân một. Vừa thể hiện nỗi đau tiễn biệt muốn níu kéo lại, cũng là vừa đảm bảo cho quan tài luôn được thăng bằng, để người ra đi trong giấc ngủ yên lành!

Một số nơi thành lập đội tùy từ 6 đến 8 người, áo quần đồng phục một mầu, có giầy, mũ và găng tay, làm công việc di quan ra xe tang. Đây là mô hình tốt nên phát triển rộng. Chính quyền thôn làng, khu phố kết hợp Hội người Cao tuổi đứng ra làm. Kinh phí chắc chắn nhân dân ở cộng đồng sẽ hưởng ứng. Vì đáp ứng nguyện vọng chu đáo và nghiêm túc trong Tang lễ. Nên để Hội Người Cao tuổi quản lý các đồ dùng cho Tang lễ.

Ở vùng nông thôn hiện nay, hầu như không mấy đám khiêng quan tài nữa. Làng quê đều có xe tang thô sơ chở quan tài, úp trên quan tài là nhà táng bằng gỗ hoặc khung sắt có phủ vải thêu các hoa văn rồng phượng sặc sỡ.
Thị xã và Thành phố có xe tang đen của Công ty mai táng thực hiện việc này.

Trên đường đưa ma vẫn còn tục rải vàng mã. Nên chăng cần giảm bớt tiến tới bỏ hẳn đi để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ngày trước thực hiện theo Thọ Mai Gia Lễ, việc đưa ma vô cùng phiền phức: Đi đầu là hai phương tướng mặc áo mũ đạo sĩ, đeo mặt nạ, cầm dao hoặc binh khí để trừ tà ma, rồi đến đoàn người vác cờ tang. Tiếp là Minh tinh, Vòng hoa, Trướng, Câu đối, Linh xa, Phường bát âm có phèng phèng, thanh la, kèn, trống. Rồi đến đoàn người khiêng Nhà táng. Nhà táng làm bằng khung tre nứa, dán giấy mầu, chạm trổ các hoa văn và hình rồng phượng tinh xảo sặc sỡ, úp trên quan tài. Nhà phú qúy, nhà táng làm cao ba tầng như một cung điện nguy nga!

Sau cùng là đoàn người đi đưa ma… Người chết là phật tử còn có đoàn đội cầu. Cầu là một băng vải mầu, dài trên 10 mét, hai diềm may vải mầu khác loại. Các già đi dưới cầu, tay lần tràng hạt, miệng đọc kinh, cầu cho người ra đi chóng được an nhiên siêu thoát.

Trưởng nam thì phải cha đưa mẹ đón. Trong trường hợp này Tang cha, con trai phải đi chân đất, chống gậy tre đi sau quan tài, gọi là “đưa”. Con gái và nàng dâu khi đến cầu và ngã ba phải nằm xuống đất cho người ta khiêng quan tài qua, gọi là “lăn đường”. Đây là một hủ tục xét ra không cần thiết. Bây giờ không ai làm nữa. Hiếu tại tâm mới là chí hiếu. Ở vùng quê ngày trước, một đám tang từ nhà ra nghĩa địa khoảng một cây số, nhưng phải đi mất một buổi mới tới nơi hạ huyệt . Bởi vậy trên đường đi phải có nhiều trạm nghỉ.

Nhà phú quý còn có nhà trạm, để dừng nghỉ và cúng tế giữa đường, đến nghĩa địa lại có trạm tế trước khi hạ huyệt. Đoàn người đưa tang đi thật chậm, dưới sự chỉ huy của một người gõ phách giữ nhịp và luôn giữ thăng bằng quan tài. Người khiêng phía trước điều chỉnh tốc độ, không cho người phía sau bước nhanh được.

Hạ huyệt

Đến nơi hạ huyệt, đặt hai đòn tre ngang qua huyệt. Di quan tài đặt trên hai đòn tre. Lồng hai giây chão chắc chắn dưới quan tài, dùng khi hạ quan tài cho thuận tiện.

Sau khi ổn định các thứ mang theo, mọi người đứng xung quanh. Bắt đầu hành lễ. Trước hết là Lễ cáo Thổ thần xin cho người chết được nhập mộ. Tiếp theo là lễ vĩnh biệt lần cuối, xưa gọi là lễ “Thành phần – đắp mộ”. Trong Lễ Thành phần cũng đủ các bước do thầy cúng điều khiển.

Xong Lễ hạ quan tài, chỉnh hướng cho phù hợp hướng của năm. Trải tấm minh tinh lên nắp quan tài. Con cháu lui ra, vì không ai nỡ chôn người thân. Bạn bè thân hữu bỏ nắm đất vĩnh biệt. Người ngoài hoặc ban quản trang làm công việc chôn và đắp mộ. Có nơi lát một lớp cỏ che kín mộ. Chôn bia tạm, để bát cơm cúng, chén rượu trên mộ, thắp hương trước bia và trên mộ, xếp vòng hoa tang chung quanh.

Mọi người đi một vòng quanh mộ, tiễn biệt lần cuối người ra đi về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nếu có nhà táng giấy, đốt luôn cùng với những thứ đồ dùng của người chết thấy cần thiết phải đốt