Từ bỏ trong Phật pháp được hiểu là gì?

Chia sẻ ngay

Trong cuộc sống này, đến một lúc nào đó ta sẽ bị người khác làm tổn thương: gia đình, bạn bè, người yêu…

Khi bị tổn thương, ta sẽ đánh mất niềm tin. Mọi thứ dường như sụp đổ. Ta quỵ ngã. Những đau đớn về mặt tinh thần sẽ tát mạnh vào ta như cơn sóng dữ ngày bão. Lựa chọn vững vàng như những tảng đá hay yếu ớt chìm nổi như cành củi khô là ở chúng ta.

Khi bị tổn thương, ta sẽ đề phòng mọi thứ để không bị tổn thương lần thứ hai. Những nghi ngờ, những lo âu, sự sợ hãi… Lựa chọn mạo hiểm mở lòng đón nhận yêu thương một lần nữa, hay sống suốt đời với sự cô đơn, là ở chúng ta.

Khi bị tổn thương, ta có thể làm những việc rất xấu, rất ích kỷ. Sự căm hận lên tới đỉnh điểm, và khao khát trả thù trỗi dậy, ta muốn mọi thứ cũng sẽ phải chịu đau đớn giống ta. Lựa chọn vị tha để trở thành một thiên thần, hay bị nhấm chìm trong lửa hận và trở thành ác quỷ, là ở chúng ta.

Khi bị tổn thương, ta sẽ cố gắng vượt qua, nhưng cũng phải chấp nhận một điều, rằng những vết sẹo sẽ còn mãi. Lựa chọn tiếp tục ngồi dưới đất lạc lõng và cô đơn, nhìn dòng đời chảy qua trước mắt, hay đứng lên và hòa mình trở thành một phần của nó, sống cùng với nỗi đau, để biết trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống, là ở chúng ta.

Ai trong đời chả ít nhất một lần chịu tổn thương, một lần chịu đau đớn vì một điều gì đó, một ai đó. Có người không vượt qua được, có người vượt qua được. Lựa chọn gục ngã vì nó, hay mạnh mẽ chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống, là ở chúng ta.

Đừng trách những người làm tổn thương bạn. Hãy vượt qua nó và coi đó như một bài học của cuộc sống. Người ta sẽ không bao giờ nhìn vào và đánh giá một người khi họ vấp ngã, mà sẽ nhìn nhận và khâm phục cách người ấy đứng lên sau khi đã ăn vạ đủ lâu và thấm thía đủ nhiều.

Đừng tìm cách làm đau người khác để thỏa mãn sự tức giận nhất thời khi bị tổn thương. Vì khi bạn chịu tổn thương không có nghĩa là bạn được quyền làm ai khác tổn thương nữa. Vết thương mà mình để lại cho người khác cũng chính là vết rách trong tâm hồn mình. Những vết thương đó sẽ dần trở thành những vết sẹo sần sùi xấu xí trong ký ức trưởng thành của mỗi con người.

Từ bỏ – buông, chứng tỏ rằng bạn đã vượt qua được những gì đang khiến bạn phát điên. Và nếu bạn thật sự muốn “trả thù”, có lẽ sẽ không có cách nào tốt hơn việc bạn lờ nó đi và cuối cùng để nó bị chìm trong quên lãng.

Từ bỏ có nghĩa là bạn đang thực hiện khả năng tự kiểm soát và đưa ra những quyết định đúng đắn – hãy tự đưa ra sự lựa chọn của mình chứ đừng để hoàn cảnh chi phối bạn.

Sống, là đôi khi phải học cách CHẤP NHẬN và TỪ BỎ… Từ bỏ, không phải là yếu đuối. Từ bỏ, là để tự cho mình những cơ hội tốt hơn.

Thơ Phật giáo

Từ bỏ

Từ bỏ thói quen hay vội vàng
Nói làm hấp tấp thiếu đoan trang
Thiếu suy xét kỹ không từ tốn
Hối hận ăn năn cũng muộn màng.

Từ bỏ thói quen hay đắm say
Say ăn say ngủ thêm say tài
Say tình say rượu say danh vọng
Say quá khổ đau suốt tháng ngày.

Từ bỏ thói quen hay dối gian
Làm người chân thật sống đàng hoàng
Dù ai giả dối mình đừng giả
Nghiệp báo không sai rất rõ ràng.

Từ bỏ thói quen hay giận hờn
Nói lời trách móc phân thua hơn
Chiến tranh miệng lưỡi rất nguy hiểm
Phải biết thuận hòa sống chánh chơn.

Từ bỏ thói quen hay thở than
Chuyện gì không đáng cũng than van
Làm cho mệt mỏi người nghe thấy
Chấp nhận là xong mọi việc an.

Từ bỏ thói quen hay tự cao
Cuộc đời lên xuống sóng ba đào
Vô thường thay đổi đâu yên mãi
Khiêm hạ hòa đồng sống với nhau.

Từ bỏ thói quen hay tự ti
Buồn phiền mặc cảm thêm sầu bi
Tự tin làm lại những điều tốt
Đừng mãi đeo mang một thứ gì.

(Tường Vân)