Học cách bố thí tạo phúc phận cho mình

Chia sẻ ngay

Như thế nào là bố thí?

 Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát. Nguyên âm chữ Phạn là Dàna có nghĩa là sự cho, dịch sang tiếng Hán Việt là Bố thí. Bố là khắp, thí là cho. Bố thí là cho khắp tất cả. Nếu nói như vậy thì hơi đơn giản và mơ hồ. Vì cho khắp tất cả có nghĩa là cho khắp tất cả những gì mình có, hay cho khắp tất cả chúng sinh?
Khi ta đi đường gặp một kẻ nghèo khó đứng xin ăn, ta lấy năm đồng hay một cắc ra cho họ, thì ta gọi đó là bố thí cho kẻ nghèo. Trong gia đình khi ta cho con cái vật gì thì ta chỉ gọi đó là cho. Đối với những người có địa vị xã hội cao hơn ta, hay đối với hàng ông bà chú bác thì ta không gọi là cho mà gọi là Tặng hay Biếu. Rồi khi vào chùa đối với Tam Bảo ta lại có tiếng gọi khác là cúng dường. Cũng là một hành động cho mà lại có nhiều tên gọi khác nhau vì đó là tùy ở nơi đối tượng của sự cho, tức là người nhận. Mùa Xuân Tết đến, ta không thể đem một món quà đến gặp ông chủ của mình mà nói rằng: ‘Tôi xin bố thí cho ông chủ món quà’, hoặc gặp một vị Thầy ta nói: ‘Con xin bố thí cho Thầy’, hoặc ta cũng không thể nói: ‘Ba cúng dường cho con một hộp bánh’, v…v… Tiếng Việt của ta rắc rối lắm, không phải dễ dàng đâu! Nếu không chú ý cẩn thận một chút là ta có thể gây phiền phức cho chính mình và cả người khác nữa.
Như ta đã thấy Bố thí gồm có nhiều nghĩa: cho, tặng, biếu, cúng dường, bố thí. Nhưng để giản tiện bớt cho những trang sau, ta tạm gọi tất cả những cái đó là Bố thí.

Lời Phật dạy

Một người nghèo hỏi Đức Phật “Tại sao con nghèo như thế?”. Phật nói “Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác”. Người kia thưa “Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí”.

Đức Phật dạy : “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này :

1. Nhan thí – Bố thí nụ cười.

2. Ngôn thí – Bố thí ái ngữ, nói lời hay.

3. Tâm thí – Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn.

4. Nhãn thí – Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ.

5. Thân thí – Bố thí hành động nhân ái.

6. Tọa thí – Bố thí nhường chỗ cho người cần.

7. Phòng thí – Bố thí lòng bao dung

Đức Phật nhắc nhở về hai việc nhằm đem đến nguồn hạnh phúc mang tính khéo léo là làm giàu bằng cách làm ăn chân chính và bảo vệ tài sản được tạo ra. Tuy nhiên, Đức Phật khuyến cáo làm giàu không phải là mục đích cuối cùng. Sự giàu có được tán dương đối với mọi người khi nó được dùng vào đúng mục đích. Đức Phật đã từng so sánh một người chỉ biết hưởng thụ sự giàu có của mình mà không chia sẻ cho kẻ khác như là một người đang tự đào hố để chôn chính mình.

Ngoài ra, Đức Phật cũng ví dụ về một người làm giàu chân chính và biết chia sẻ cho người nghèo khó như một con người có đầy đủ hai mắt. Ngược lại, người keo kiệt bủn xỉn được ví như người chỉ có một con mắt.

Đức Phật biết rằng bố thí sẽ là nguồn phước báo lớn lao tạo ra những lợi ích miên viễn cả trong đời sống hiện tại và tương lai. Trong lúc những lời dạy của Đức Thế Tôn về phước báo không có nhiều ý nghĩa đối với nhiều người thực hành pháp Phật ở phương Tây, nhưng những lời dạy này gợi mở ra nhiều nẻo đường vô hình với những kết quả từ hành động của chúng ta sẽ hoàn trả lại cho chính mình.

Có một cách mà người hành bố thí có thể thấy đó là sự báo ứng trong nghiệp báo nhãn tiền. Nghiệp báo nhãn tiền, trong Phật giáo, là bạn nhận kết quả trực tiếp được tác động trên thân và tâm của bạn khi bạn hành xử. Những kết quả của sự bố thí thật tuyệt vời trong giây phút hiện tại. Nếu thật sự có mặt với chúng, chúng ta có thể tiếp nhận những kết quả tốt đẹp đó trong lúc thực hành bố thí. Đức Phật nhấn mạnh về niềm hạnh phúc của sự bố thí. Bố thí không có nghĩa là phải bị bắt buộc làm hay làm một cách bất đắc dĩ, mà hơn thế nữa khi bố thí người bố thí cần phải vui vẻ trước khi bố thí, trong khi bố thí và sau khi bố thí.

Ở cấp độ cơ bản nhất, bố thí trong truyền thống của đạo Phật có nghĩa là cho đi mà không mong chờ một sự hồi đáp nào trở lại. Hành động bố thí chỉ thuần nhất được sinh khởi từ tấm lòng từ hay ý niệm thiện, hoặc vì lợi ích của một ai đó. Có lẽ bố thí nhấn mạnh về cách cho hơn là của cho. Thông qua bố thí, chúng ta gieo trồng một tâm hồn rộng mở. Tâm hồn rộng mở này sẽ luôn dẫn đến hành động bố thí, nhưng để trở thành người có tấm lòng rộng mở là quan trọng hơn bất cứ hành động bố thí nào. Và sau cùng, nó sẽ dẫn đến hành thí ba la mật.

Mặc dù bố thí với mục đích giúp đỡ người khác là một động cơ quan trọng và có được niềm vui khi bố thí, Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng mục đích của bố thí là để đạt được Niết Bàn, đây chính là động cơ quan trọng nhất. Vì mục đích này, “người thực hành bố thí nhằm trang điểm và làm đẹp cho tâm hồn”. Trong tất cả những sự trang điểm ấy chính là tinh thần không chấp thủ, lòng từ bi và sự quan tâm nhằm đem đến sự tốt đẹp cho kẻ khác.