Lễ cúng Mụ đơn giản đầy đủ cho bé

Chia sẻ ngay

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng), 100 ngày (ngày đầy tuổi tôi) và 1 năm (ngày thôi nôi)

Ông bà ta xưa quan niệm rằng: Đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai), Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra ban cho. Vì vậy, khi đứa trẻ đầy cữ, đầy tháng (đứa trẻ chào đời được một tháng), đầy năm; bố mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành.

Sự tích về bà Mụ

Sự tích 12 Bà Mụ được Nguyễn Đổng Chi kể trong sách Lược khảo về thần thoại Việt Nam. Sự tích của 12 vị nữ thần này hiện nay chúng ta chỉ còn biết một cách lờ mờ. Có thuyết nói đó là các thần giúp việc cho Ngọc Hoàng từ lúc ông ta có ý định sáng tạo ra loài người. Nhưng cũng có thuyết lại cho đó là những thần được Ngọc Hoàng giao phó trách nhiệm sau khi ông đã sáng tạo ra đủ số lượng người và vật ở hạ giới. Nói cách khác, 12 bà Mụ là những vị thần có trách nhiệm nắn lại cơ thể cho một người nào đó khi được lệnh đầu thai.

Con số 12 Bà Mụ thường được giải thích bằng một vài quan điểm khác biệt nhau: có quan điểm cho rằng đó là một tập thể chịu trách nhiệm chung công việc tạo thành con người, và cách giải thích khác là mỗi Bà Mụ lo một việc: người nắn tai, người nắn mắt, người nắn tứ chi, người dạy trẻ cười, người dạy trẻ nói. Ở vùng đất phương Nam lại có quan niệm cho rằng 12 Bà Mụ là 12 vị luân phiên nhau lo việc thai sản trong 12 năm, tính theo “thập nhị chi” – tức theo 12 con giáp.

Theo phong tục tập quán của người Việt, khi đứa trẻ ra đời khi đứa trẻ ra đời được một tháng thì phải làm lễ đầy tháng, để tạ ơn bà Mụ, mong bà ban cho đứa trẻ mọi điều tốt lánh, xin phép bà Mụ đặt tên cho bé khi bé đầy một tuổi, còn gọi là lễ thôi nôi.

Lễ vật cúng Mụ

Xôi gấc: 7 nắm nếu là bé trai, 9 nắm nếu là bé gái.
Cua bể: 7 con nếu là bé trai, 9 con nếu là bé gái (có thể thay cua bể bằng cua thường).
Trứng gà nhuộm đỏ luộc: 7 quả nếu là bé trai, 9 quả nếu là bé gái.
Hoa tươi, trái cây, bánh kẹo, tiền vàng bạc, trầu cau, nến tùy tâm Tất cả được bày trên mâm kê cao cúng Mụ.

Văn khấn cúng Mụ

Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!

Kính lạy:

ĐỆ NHẤT THIÊN TỶ ĐẠI TIÊN CHỦ ĐỆ NHỊ THIÊN ĐẾ ĐẠI TIÊN CHỦ ĐỆ TAM TIÊN MỤ ĐẠI TIÊN CHỦ THẬP NHỊ BỘ TIÊN NƯƠNG TAM THẬP LỤC CUNG CHƯ VỊ TIÊN NƯƠNG

Hôm nay là ngày …… tháng …… năm ……. Vợ chồng con là ……. Sinh được con (trai, gái) đặt tên là …… Nay nhân ngày đầy cữ (hoặc đầy tháng, đầy năm ) thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng bày lên trước án, trước bản tọa chư vị Tôn Thần kính cẩn tâu trình : Nhờ ơn Thập phương Chư PHẬT, Chư vị Thánh Hiền, Chủ Tiên Bà, các Đấng Thần Linh, Thổ Công Địa Mạch, Thổ Địa Chính Thần, Tiên Tổ nội ngoại cho con sinh ra cháu …… sinh ngày ……. được mẹ tròn con vuông.

Cúi xin: Chư Tiên Bà, Chư vị Tôn Thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì, vuốt ve che chở cho cháu được ăn ngon, ngủ kỹ, hay ăn chóng lớn, vô bệnh, vô tật, vô tai, vô ương, vô hạn, vô ách, phù hộ cho cháu bé được thân mệnh bình yên, cường tráng, kiếp kiếp được hưởng vinh hoa phú quý. Gia đình con được phúc thọ an khang, nhân lành nẩy nở, nghiệp dữ tiêu trừ, 4 mùa không hạn ách nghĩ lo. Con xin thành tâm đỉnh lễ. Cẩn cáo.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!