Cách tỉa chân nhang bàn thờ Gia tiên ngày tết

Chia sẻ ngay

Tỉa chân nhang ở bát hương thờ, là việc phải làm mỗi khi bát hương đầy chật chân nhang. Nhất là dịp Tết đến Xuân về lại càng phải làm.

Nhiều người quan niệm phải sau 23 tháng Chạp mới được tỉa chân nhang. Như vậy là không đúng. Tục thờ cúng không có một quy định nào về việc này.

1560429_277565929098405_4198080524771351607_n

Bàn thờ Gia tiên là nơi hội tụ cốt cách của từng nhà, từng dòng họ. Mặt khác, cũng là bóng dáng chung của tâm hồn dân tộc Việt. Nét Văn Hóa Tâm linh, tự sâu thẳm lòng ta được thể hiện trên bàn thờ. Bàn thờ gia tiên là một thánh thất tôn nghiêm, để chúng ta hướng về nguồn cội.

Bởi vậy, việc chăm sóc bàn thờ gia tiên luôn sạch sẽ, gọn gàng là việc làm thường xuyên. Đây là việc làm của mọi người trong nhà, ai làm cũng đều tốt; vì xuất phát từ tấm lòng thành kính với tổ tiên. Thường do người ông, cha hoặc các con trai làm, con dâu con gái làm cũng được.

Cần phân biệt rõ giữa tỉa chân nhang và bốc bát hương. Bốc bát hương là lập bát hương mới, hoặc thay bát hương vì một lí do nào đó.

Khi bát hương đầy chân nhang, ta nên tỉa bớt đi. Nhiều nhà để lớp lớp chân nhang chồng lên nhau, trong một thời gian dài; vừa không đẹp lại rất khó mỗi khi cắm hương. Như vậy tỉa chân nhang tùy thuộc khi bát hương đầy chân nhang. Thông thường một năm tỉa hai lần. Một lần vào trước ngày giỗ trọng (giỗ cụ tổ, giỗ ông, giỗ cha…) và một lần chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Sang tháng Chạp là có thể tỉa chân nhang, phần lớn sau rằm tháng Chạp là làm được. Tỉa chân nhang chọn ngày Hoàng Đạo, kỹ lưỡng hơn chọn ngày hợp với công việc tế tự hoặc ngày bách sự nghi dụng.

Đón năm mới 2017 các ngày 14, 15, 19, 21, 26, 27 tháng Chạp (âm lịch) năm 2016 Bính Thân phù hợp để bốc lại bát hương dọn dẹp bàn thờ cuối năm, lau chùi bàn thờ và các đồ cúng tế (đèn, lư hương, bài vị, hoành phi, câu đối…)

Cách làm:

– Thắp hương kính cáo tổ tiên, xin được tỉa chân nhang để đón Tết.

– Chọn 5 chân nhang đẹp (thường chọn chân nhang còn cuốn tàn) cắm lại trên bát hương. Số tàn tro nếu nhiều có thể bỏ bớt đi, không nên để bát hương quá đầy tàn hương. Chân hương đã tỉa đem hóa cùng số hương trong năm quá nhiều còn lại.

– Sau khi lau chùi dọn dẹp sạch sẽ, thắp hương kính cáo gia tiên công việc hoàn thành. Nếu có lễ nhỏ: Hoa quả, rượu trầu cau càng tốt. Không có cũng không sao. Tổ tiên không đòi hỏi, luôn chứng giám tấm lòng thành tâm của ta.

Lưu ý:

– Thường trong nhà có 2 bàn thờ: Bàn thờ gia tiên và bàn thờ ông Công đều phải tỉa chân nhang.

– Bàn thờ Gia tiên là chỉ thờ tổ tiên nhà mình. Việc để bát hương thần linh lên bàn thờ Gia tiên là không đúng. Có nhà lại để bát hương Phật bà quan âm nữa, như vậy càng không được. Bởi lẽ, tổ tiên nhà ta làm sao lại ngồi cùng Thần linh và Phật bà quan âm được! Muốn thờ Thần linh và Phật bà quan âm cần lập bàn thờ riêng.

– Một số nhà, bàn thờ có nhiều bát hương: Cụ tổ, ông, bà, cha, mẹ… Nên quy về một bát hương hội đồng thờ chung tất cả là tốt nhất.

– Bà cô, Ông mãnh là những người chết trẻ; dân ta quan niệm họ rất thiêng, nên phải thờ. Một quan niệm đầy tính nhân văn với những người không được hưởng lộc trời ban sống lâu. Bát hương bà cô ông mãnh, nếu để cùng bàn thờ gia tiên, phải thấp và nhỏ hơn bát hương gia tiên.

– Một số nhà không lập bàn thờ ông Công riêng, thờ chung trên bàn thờ gia tiên. Bát hương ông Công ở bên phải và cao hơn bát hương Gia tiên. Sự kết hợp này chưa thực sự hợp lý; nên có bàn thờ ông Công riêng biệt là tốt nhất.

– Hiện nay nhiều gia đình thờ cả bên đằng ngoại trên bàn thờ gia tiên. Việc này là hợp cách theo quan niệm mới: Nội Ngoại cân bằng như nhau. Vì nhà ngoại không có con trai. Con rể thờ cha mẹ vợ thể hiện tấm lòng báo hiếu.