Tìm hiểu về chùa Dạm Bắc Ninh

Chia sẻ ngay

Chùa Dạm, hay chùa Rạm, tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội), cũng được gọi là chùa Lãm Sơn, theo tên núi. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm.

Lịch sử chùa Dạm

Thời Lý, Trần

Theo thư tịch, sử sách như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), Nguyên phi nhà Lý Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa.

Năm 1086, triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa. Năm sau, 1087, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang xây, mở tiệc, làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Sau mười năm xây dựng, năm 1094 chùa Dạm mới hoàn thành, được vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, ban 300 mẫu ruộng tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi hương khói và bảy gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng – mở cửa chùa. Năm 1105, lại xây ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn.

Trong thời gian dài sau đó chùa luôn được sự chiếu cố đặc biệt của triều đình, nên chùa càng được gia công mở mang quy mô. Vua Trần Nhân Tông từng đến thăm, ca ngợi thành thơ về bức tranh kiến trúc kế tiếp mười hai lớp này.

Sau kháng chiến chống Pháp 1946

Theo nhân dân địa phương, vào những năm 1946-1947, quân đội thực dân Pháp về đây đóng bốt, nhân dân địa phương đã đốt chùa để tiêu thổ kháng chiến. Các lão làng bây giờ vẫn còn nhớ: “Ngôi chùa cháy trong mấy ngày mới hết. Đêm chùa cháy có một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mịt mù, dân làng kinh hãi bảo nhau sau này nhất quyết phải dựng trả lại chùa để không đắc tội với thần linh. Khi phá chùa, tượng mẫu Nguyên phi Ỷ Lan và tượng vua Lý Nhân Tông được gửi vào chùa Hàm Long gần đó nên mới giữ được đến ngày nay. Toàn bộ di vật, cổ vật đã mất hết nên người dân coi hai pho tượng cổ đó là bảo vật

Tuy nhiên từ đó đến năm 2008, chùa chưa một lần được trùng tu theo đúng hình hài xưa. Hiện tại 100 gian xưa giờ được thay bằng ba gian điện nhỏ thờ thần Phật (ở nền cấp thứ ba) và ba gian đền (ở nền cấp thứ tư) thờ hai cổ vật còn sót lại là tượng Nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông. Cả chùa và đền mới đều được xây dựng từ năm 1996, do nhân dân địa phương đóng góp.

Kiến trúc chùa Dạm

Ngôi chùa xưa có quy mô kiến trúc to lớn, với 4 lớp nền giật cấp bám lấy độ cao của núi Dạm. Các lớp nền đều được kè đá tảng lớn để chống xói lở. Các vách đá của các lớp nền cao từ 5-6m, mỗi viên đá rộng 0,50-0,60m. Nối các tầng nền với nhau là các bậc thềm lát đá. Trên các tầng nền có gạch ngói thời Lý hoa văn hình rồng, phượng, sen dây, cúc dây; những chân cột bằng đá (0,75m x 0,75m) chạm nổi những cánh sen rất nghệ thuật. Tại tầng nền thứ hai từ dưới lên (khoảng giữa cửa chùa) có 2 khối đất hình nấm nằm đối diện nhau, đều được kè đá chạm văn hình sóng nước nhô cao (thủy ba). Và khi chùa hoàn thành, huyền tích kể rằng chùa trăm gian cần phải có tới bảy gia đình dưới chân núi chuyên việc đóng mở cửa chùa hàng ngày mà vẫn không xong.

Vẫn còn đó sừng sững trên nền trời xanh cột đá khổng lồ, cao tới 5m. Cột đá chạm rồng này gồm 2 phần: phần dưới là khối hình hộp, (cạnh 1,40m x 1,60m); phần trên là khối hình trụ có tiết diện tròn (đường kính 1,30m) được chạm nổi đôi rồng lớn quấn quanh cột, đầu rồng ngẩng cao, miệng ngậm ngọc, chầu vào hình mặt trời tỏa sáng. Đầu rồng có mào, bờm, tóc bay bốc lên cao như ngọn lửa. Thân rồng to, mập uốn khúc quanh cột. Hai chân phía trước của rồng có móng sắc, nhọn, giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm. Có thể nói toàn bộ tác phẩm điêu khắc cột đá chạm rồng chùa Dạm thể hiện sức mạnh tổng hợp của vương quyền và thần quyền nhà Lý-triều đại đầu tiên đặt nền móng cho kỷ nguyên dân tộc tự chủ và hưng thịnh về mọi mặt. Hình tượng cột tròn đặt trên bệ nổi hình sóng nước còn là Linga và Yoni, hai sinh thực khí biểu tượng phồn thực trong phật giáo ấn Độ. Đây chính là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa văn hóa Chămpa và Đại Việt xưa. Và đây có lẽ cũng là ngôi chùa duy nhất ở miền Bắc có biểu tượng này.