Tìm hiểu chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tỉnh Thanh Hóa

Chia sẻ ngay

Chùa Sùng Nghiêm – Hậu LộcTừ thời Lý, chùa này được dựng ở làng Duy Tinh (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc) cho nên nhân dân địa phương và các nơi quen gọi là chùa Duy Tinh.

Lịch sử chùa Sùng Nghiêm

Đây là ngôi chù cổ, được xây dựng lại từ thời nhà Lý. Hiện nay chùa chính thờ Phật, nhà tiền Đường thờ Lý Thường Kiệt (1019-1105).

Theo nhiều tài liệu lịch sử thì chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có từ trước đời Lý. Tháng hai năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khanh thứ 7 (1116), Vua Lý Nhân Tông đi tuần phương Nam, xa giá dừng ở trụ sở Châu ái (Thanh Hóa) rồi trở về. Nhân dịp ấy, tri Thanh Hóa quân sự họ Chu bàn với các thuộc viên và phụ lão ở địa phương muốn làm việc công đức để báo ơn vua, chúc quốc vận trường tồn. Họ chu bàn giao huyện lệnh là Lê Chiếu dựng lại ngôi chùa cổ đã đổ nát. Dân bản huyện góp sức, góp lương san gò lấp trũng, thợ mộc, thợ nề gắng sức trong hơn hai năm, dựng xong chùa vào khoảng cuối năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khanh thứ 9 (1118).

Kiến trúc chùa Sùng Nghiêm

Quy mô kiến trúc chùa to lớn, xây dựng chạm khắc công phu “… Nơi nhà uốn như trĩ bay xòe cánh, đầu cột chạm trổ như phượng múa lân chầu…”. Lại quyên góp đồng tốt được 3.000 cân để đúc chuông và 3 pho tượng: Như Lai cùng tượng Dồ tát Ca Diếp và tượng Di Lạc… Qua các triều đại tiếp theo, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một thiên viện có danh tiếng ở Châu ái. Do có biến động của lịch sử, bị đổ nát, năm 1952 nhà Tiền Đường đã bị bom Pháp làm sập…

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 13/03/1990. Chùa được tu bổ lớn từ năm 1997, đến tháng 11/2001 hoàn thành. Sau đó, chù được tiếp tục đầu tư tu bổ các hạng mục khác và làm cầu đá vượt đi vào chùa.

Nhà Tiền đường có kiến trúc đẹp, với cá cột, xà… bằng gỗ lim. Hiện nay chùa có nhiều hiện vật quý của thời Lý mà các di tích cùng thời Lý không có, cụ thể là: Hàng rồng lớn chạm trên đã là những phần còn lại của cây tháp lớn, những đầu rồng và phượng bằng gốm rất lớn mang tư cách những con vật vũ trụ. Trên Tam bảo còn để lại 3 chiếc bệ đá hoa sen tương tự bệ đá ở chùa Thầy (Hà Nội), nhưng các bệ đã này đã được làm kỹ hơn ở các làn sóng dưới chân. Trong chùa còn nhiều tượng gỗ rất quý, đặc biệt là 3 pho tượng Quan Âm bằng gỗ được tạc vào khoảng giữa thế kỷ XVII.

Phía trước khuôn nhà chùa là gác chuông được xây dựng vào 1993 gồm 2 tầng với lối kiến trúc rồng thời Lý, chuông nặng 3.000 cân được đặt ở tầng hai. Chuông của Chùa được đúc vào thời Gia Long 11 (18112) đó là chuông lớn đặt ở gác chuông. Hàng ngày vào lúc 6h00 Chiều nhà Chùa đánh một hồi chuông dài, tiếng chuông có âm vang ngân xa hàng km.

Hiện nay được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Chùa được cấp kinh phí để tôn tạo và mở rộng khuôn viên nhà Chùa và xây một số hạng mục như: Nhà bia, nhà thờ Mộu, nhà thờ phía tây…

Tượng Phật chùa Sùng Nghiêm

Tượng ở chùa này còn khá đầy đủ gồm 22 pho (tất cả đều bằng gỗ) tượng đồng không còn. Sự bố trí tượng Phật ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh hiện nay được sắp xếp như sau:

– Bàn nhất: Bên trái là Đại Thế Chí Bồ tát, bên phải là Quan Thế Âm Bồ tát, và giữa là tượng Phật Di Lặc (A Di Đà). Trên cùng là ba pho tượng Tam thế.

– Bàn hai: ở hàng ngoài phía bên trái là tượng đức Phổ Hiền, kế đến là tượng đức Văn Thù Bồ tát và tượng Phật Ala diếc.

– Bàn ba: Bên trái là Thượng Thiên, ở giữa là tượng Bồ tát Thích ca sơ sinh, bên phải là tượng Đế Thích.

– Bàn bốn: ở giữa là tượng Chuẩn Đề Quan Âm, tả là tượng Nam Tào, hữu là tượng Pháp Loa lâm.

– Bên ngoài nữa là 3 pho tượng Bát Nhã…

Ở giữa Tiền đường thì có đặt bài vị và tượng thờ Lý Thường Kiệt.

Di vật thời Lý – Trần

Nói chung, cách bài trí hiện nay ở chùa Sùng Nghiêm là hợp lý. Các hiện vật nội thất ở trong chùa còn khá phong phú và đầy đủ. Những di vật thời Lý – Trần còn lại cho đến nay gồm:

  • Tấm bia đá thời Lý:

Cao 2m20, rộng 1m22, trang trí kiểu dây leo và rồng xoắn mềm mại, uyển chuyển. Hiện nay, chữ đã bị mòn và vỡ một phần trong chiến tranh phá hoại. Rất may là tấm bia này đã được chép dập đầy đủ và được công bố trên tập sách văn thơ Lý Trần của UBKHXH Việt Nam.

Đây là một di tích, một hiện vật gốc, một tài liệu khoa học vô giá giúp chúng ta có nhiều tư liệu bổ ích để nghiên cứu tìm hiểu về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thời Lý cũng như tình hình chính trị, xã hội, kinh tế, phong tục, kiến trúc nghệ thuật v.v… của dân tộc ta thời hoàng kim của đạo Phật ở nước ta (TK XI – TK XII).

Bia này dựng vào năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ chín (1118). Người soạn bia là Thống thiền Hải chiếu Đại sư, tứ tử, Thích Pháp Bảo, là người ở chùa Phúc – Diên Tư – Thành, quận Cửu Chân, trấn Thanh Hoa, kiêm chức Tri giáo môn công sự của bản quận. Còn người viết chữ trên bia là Chu Nguyên Hạo – giữ chức Phụng nghi lang, Thủ Thái thường thừa, kiêm Quản ngự phủ tài hoa kiêu kỵ, uý, tứ phi ngự đá, tá tử.

  • Ba bệ sen bằng đá ở trung tâm Phật điện:

Ba bệ tượng bằng đá này có niên đại Lý. Đó là ba tác phẩm điêu khắc đá quý hiếm còn sót lại. Mỗi bệ là một toà sen cách điệu có nhiều cánh viền quanh cân xứng, phía trên là con sư tử biểu hiện sức mạnh đội cả bầu trời.

Xét toàn cục thì thấy bố cục bệ ở đây cũng giống ở các chùa Bắc Bộ, nhưng về trang trí, thì lại có những cái độc đáo khác biệt. Sư tử ở Bắc Bộ thì tròn trặn, nhưng ở đây lại đơn giản hơn. Một số biểu tượng phổ biến thường thấy, lại không có. Ngay tai con sư tử ở đây cũng thô hơn (tai giống tai lợn), vị trí đặt tai lại hơi chướng, lông chân thì lún phún, thưa thớt và ngắn hơn với ở Bắc Bộ. Còn móng chân ngoài thì lại che khuất móng chân trong và lông gáy thì không xoắn mà lại bố cục theo kiểu hình thoi. Ngoài ra chúng ta còn thấy các bắp chân sư tử ở đây thiếu sự mềm mại và vuông thành sắc cạnh quá.

Có thể nói, với sự tồn tại của ba bệ tượng bằng đá này sẽ cho phép chúng ta khẳng định là trung tâm Phật điện của chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh thời Lý là quy mô bề thế. Đây là ba tác phẩm điêu khắc đá tinh xảo, biểu hiện trình độ thẩm mỹ cao của người xứ Thanh lúc đó. Từ ba bệ đá này, chúng ta có thể cảm nhận được tình cảm tâm hồn của người thợ đá xứ Thanh đã có cái gì phóng khoáng thoáng đạt hơn. Nó như một sự vươn dậy để thoát ra sự gò bó khuôn mực công thức của nghệ thuật kiến trúc đương thời.

  • Rồng Lý trên bậc đá của chùa:

Chùa cũ thời Lý tuy không còn nhưng bậc đá thì vẫn còn giữ nguyên được trang trí rồng phía mặt trước. Nhìn những con rồng mảnh mai uyển chuyển như đang uốn lượn thật hài hoà và đẹp mắt. Có lúc tưởng sóng nước, có lúc tưởng đám mây. Đây cũng là trang trí nghệ thuật tiêu biểu trên đá của các chùa thời Lý.

  • Đầu rồng đầu phượng bằng đất nung thời Trần:

Đây cũng là một chứng tích ghi nhận sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc của nhiều thời kỳ cùng tồn tại trên một di tích. Đầu phượng và đầu rồng bằng đất nung ở đây rất đẹp, trình độ nung rất cao. Hiện vật này đào được ở vườn chùa và được nhà sư cất giữ.

  • Các hiện vật khác:

Ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, hiện nay còn 22 pho tượng bằng gỗ, nhiều bản khắc gỗ in hình, một chuông đồng thời Nguyễn nặng khoảng 5 tạ, hai con vẹt bằng gỗ, một bia công đức thời Nguyễn, một tượng thờ Lý Thái Uý (Lý Thường Kiệt) v.v…

Nói chung, các hiện vật trang trí nội thất ở trong chùa còn khá đầy đủ và được nhà sư bảo vệ chu đáo.

Có thể nói, sự hiện diện hôm nay của chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã có đủ yếu tố để khẳng định đây là một di tích văn hoá – kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đáng trân trọng và cần được giữ gìn, bảo vệ.

Chỉ với những di tích, hiện vật của thời Lý còn lại (như bia đá, bệ tượng đá, rồng bậc đá) cũng là những tài sản khoa học vô giá giúp cho chúng ta hiểu rõ được sự phát triển huy hoàng của chùa chiền thời Lý trên đất nước ngàn năm văn hiến. Và cũng chỉ cần có thế, nhưng chúng ta đã thấy được rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, nghệ thuật, kiến trúc v.v… của một vùng đất thời Lý thanh bình – Đó là xứ Thanh.