Giảng giải Chú Đại Bi (Phần 4)

Chia sẻ ngay

Cùng xem tiếp phần 4 giảng giải Chú Đại Bi để hiểu các câu thần chú thứ 31 đến 40 trong Chú Đại Bi.

31. Địa lỵ ni

Địa lỵ ni. Hán dịch rất nhiều nghĩa. Thứ nhất là “thậm dõng” nghĩa là dũng khí mãnh liệt. Cũng có nghĩa là “tịnh diệt hoặc khiết tịnh”.

“Thậm dũng” là dạng tướng động.

“Tịnh diệt” là dạng tĩnh.

Còn dịch là “Gia trì và thôi khai”.

– “Gia trì” có nghĩa là làm cho các ác pháp đều được chuyển hoá, hướng về phụng hành theo thiện pháp.

– “Thôi khai” là làm cho các nghiệp chướng, tai nạn của chúng sinh đều được tiêu trừ.

Đây là Cu thi thiết câu thủ nhãn ấn pháp. Gọi tắt là thiết câu ấn pháp, có công năng làm cho tất cả quỷ thần, thiên long bát bộ đến hộ trì cho hành giả. Nếu quí vị công phu hành trì thành tựu thủ nhãn này, thì có thể bảo thiên long làm mưa và sẽ có mưa ngay, nếu hành giả cần có gió, họ sẽ làm ra gió ngay, khi hành giả muốn mưa gió đừng hoành hành thế gian nữa, mưa gió sẽ hết ngay.

Quí vị sẽ nói: “Tôi không tin như vậy”. Đúng vật! Đó chính là lý do mà tôi muốn nói cho quí vị nghe, tất cả chỉ là vì quí vị không tin. Không có niềm tin và không ở trong cảnh giới này thì khó lòng hiểu nổi.

Nếu muốn, quí vị có thể hỏi những người vừa mới từ Đài Loan trở về ngày hôm nay về cơn mưa ở Đài Loan. Khi tôi nói chuyện với Phật tử ở Đài Loan qua điện thoại, họ cho biết trời đang mưa và rất lạnh. Họ mong muốn thời tiết được ấm áp và bớt mưa. Tôi bảo họ hãy yên tâm, chuyện đó sẽ xảy ra. Họ lại thắc mắc:

– Sư phụ có thể khiến trời hết mưa hay sao?

Tôi chỉ nói vắn tắt:

– Quí Phật tử hãy đợi xem trời có tạnh mưa hay không?

Ngay khi tôi vừa cúp điện thoại, thì trời bắt đầu tạnh ráo. Họ đều cho đó là chuyện lạ kỳ. (Những ai đã đến Đài Loan năm 1969 để dự giới đàn, đều có thể chứng kiến chuyện này. Trời mưa dầm ở Keelong Đài Loan ít nhất cũng là 48 ngày, nhiều nhất là 53 ngày. Chúng tôi đang ở Đài Loan để thọ giới. Cả tự viện không còn chất đốt, một khi củi đã bị ướt rồi, thì không còn cách nào để sưởi cho khô lại được. Tuy nhiên,vào sáng ngày 18/4 như đã nói ở trên, đúng ngay lúc chúng tôi vừa chấm dứt cuộc điện đàm thì mặt trời vừa hiện ra, bầu trời trở nên sáng trong và khí trời trở nên ấm áp liền. Chú thích của người dịch từ Hoa văn sang Anh Ngữ).

Thực ra, đó chẳng phải là gì khác, chính là năng lực của thiết câu thủ nhãn ấn pháp. Quí vị chỉ cần kiết ấn và gọi: “Thiên long, đừng làm mưa nữa!” thì trời sẽ dứt mưa ngay. Loài rồng sẽ chấp hành theo lệnh của quí vị và chỉ khi quí vị đã thành tựu ấn pháp này và đã thông thạo thiết câu thủ nhãn. Rồng phun mưa sẽ tuân theo ấn pháp này và đình chỉ việc làm mưa liền.

Quí vị sẽ nghĩ là tôi nói đùa nhưng đúng là như vậy. Bây giờ, tôi đang giảng kinh cho quí vị nghe và tôi đang nói với quí vị bằng chân ngữ. Đây không phải là chuyện nói đùa.

32. Thất phật ra da

Mỗi khi quí vị niệm Thất Phật ra da thì toàn pháp giới này có một luồng chớp sáng phát ta. Cứ mỗi niệm Thất Phật ra da là có một luồng quang minh phóng ra bao trùm cả vũ trụ.

Thất Phật ra da được dịch là “phóng quang”. Còn dịch là “tự tại”. Phiên âm từ tiếng Phạn “Isara” như trong chữ “Avalokihesvara”. ở đây có nghĩa là “Quán”, vì có quán chiếu thâm sâu rồi mới được “tự tại”. Nếu quí vị không có sức quán chiếu thâm sâu, thì quí vị sẽ không đạt được năng lực tự tại.

Quán chiếu nghĩa là hướng vào bên trong tự tâm mà công phu chứ không phải hướng ra ngoại cảnh bên ngoài. Nghĩa là hướng vào bên trong mà quán chiếu không ngừng. Hãy tự hỏi: “Ta có hiện hữu hay không?”. Ông chủ có hiện hữu trong chính tự thân quí vị hay không? Quí vị có làm chủ được mình hay không? Mặt mũi xưa nay của ông chủ có hiện hữu hay không? Thường trụ chơn tâm thể tánh thanh tịnh có hiện hữu hay không? Nếu những cái đó đều hiện hữu, có nghĩa là quí vị đạt được tự tại. Còn nếu không hiện hữu, có nghĩa là quí vị không có được tự tại.

Sự phóng quang cũng mang ý nghĩa tự tại. Nếu quí vị đạt được năng lực tự tại, thì quí vị có thể phóng quang. Nếu chưa có được năng lực tự tại, thì không thể phóng quang được.

Thất Phật ra da cũng được dịch là “Hoả diệm quang”, cũng gọi là Hoả quang. Đó là lửa, nhưng không phải là lửa phát sinh từ tập khí phiền não, như quí vị thường nói: “Tôi vừa nổi nóng như lửa”. Đó cũng không phải là lửa xuất phát từ sự sân hận, phẫn nộ, căm hờn của quí vị, mà đó chính là lửa trí tuệ. Đó cũng chính là nước từ trí tuệ tiết ra để dập tắt lửa vô minh. Trí tuệ chân chính hiển lộ khi lửa vô minh bị dập tắt. Đó chính là Hoả Diệm Quang.

Khi quí vị trì tụng Thất Phật ra da tức là quí vị đang phóng quang. Nhưng trước tiên quí vị phải có được năng lực tự tại. Không có năng lực tự tại thì quí vị không thể nào phóng quang được. Hãy nhớ kỹ điều này.

Đây là Nhật Tinh Ma Ni thủ nhãn ấn pháp. ấn pháp này có công năng chữa trị bệnh mắt mờ không thấy rõ. Dùng ấn pháp này khiến cho mắt được sáng lại.

33. Giá ra giá ra

Giá ra giá ra dịch nghĩa là “hành động”. Đó là hành động như quân đội thi hành một mệnh lệnh hành quân. Hành quân là một mệnh lệnh nếu quí vị không tuân hành, có nghĩa là chống lệnh.

Đây là Bảo đạc thủ nhãn ấn pháp. Khi quí vị rung chuông, âm thanh vang lên khắp không gian, thông cả thiên đàng, chấn động cả địa giới. Nếu quí vị cần thực hiện việc gì, chỉ cần rung chuông lớn, các loài chư thiên, thiện thần, yêu ma quỷ quái đều tuân theo mệnh lệnh của quí vị. Chẳng hạn như khi có động đất, quí vị chỉ cần rung chuông lên rồi ra mệnh lệnh: “Quả đất không được rung lên như vậy”, trái đất trở về trạng thái yên bình ngay.
Bảo đạc thủ nhãn ấn pháp cực kỳ diệu dụng. Nếu quí vị muốn hát với một âm điệu tuyệt vời, thì hãy công phu hành trì ấn pháp này. Khi công phu thành tưu rồi, tiếng hát của quí vị trong suốt như tiếng đại hồng chung vang lên trong không gian.

34. Ma ma phạt ma la

Ma ma. Hán dịch là “ngã sở thọ trì”. Đó chính là một loại mệnh lệnh hành động. Có nghĩa là “mọi việc tôi làm bảo đảm chắc chắn phải được thành tựu”.

Ma ma là Bạch phất thủ nhãn ấn pháp. ở Trung Hoa, các đạo sĩ và Tăng sĩ Phật giáo thường sử dụng phất trần, các vị cao tăng thường cầm phất trần khi đăng bảo toạ để thuyết pháp.

Bạch phất thủ nhãn ấn pháp có công năng trừ sạch mọi nghiệp chướng của thân, trừ được mọi chướng nạn và bệnh tật. Chỉ cần phất lên thân vài lần là có thể tiêu trừ mọi nghiệp chướng và chữa lành mọ ma chướng sinh ra bệnh tật.

Bạch phất thủ nhãn ấn pháp có rất nhiều công dụng, nhưng người biết cách dùng ấn pháp này lại rất ít. Tôi biết hiện nay có rất ít người sử dụng được ấn pháp này.
Năm người Tây phương đầu tiên vừa đi thọ giới Cụ túc ở Đài Loan đã trở về. Họ đã trở thành những vị Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni chân chính. Họ vừa về đến phi trường vào lúc 4 giờ 30 chiều nay, chuyến bay 910 của hãng hàng không Trung Hoa. Ngày nay Phật giáo Giảng Đường đã có được nhiều xe hơi nên toàn thể Phật tử hộ pháp trong đạo tràng cũng như toàn thể Phật tử ở San Francisco – Cựu Kim Sơn – Hoa Kỳ – đều có thể ra phi trường để đón mừng các vị tân Tỷ Khưu.

Bình thường, tôi chẳng muốn đến phi trường nhưng trong chuyến bay ấy có chở về vài tượng Phật, nên tôi ra phi trường để nghênh đón tượng Phật chứ không phải để đón các đệ tử của tôi. Các đệ tử của tôi cũng không cần tôi đón, cũng chẳng cần đưa. Khi họ đi Đài Loan thọ giới, tôi đã nói với họ rằng:

“Khi mê thì thầy độ

Khi ngộ rồi tự độ”.

Nay họ phải tự độ chính họ, họ đã ra đi, nay lại trở về. Chắc chắn họ phải tự tìm ra con đường từ phi trường về chùa. Họ chẳng cần tôi phải chỉ dẫn: “Quẹo ở đó, đi theo đường này, đó là đường về chùa”.

Điều buồn cười nhất là khi họ viết thư báo cho tôi biết họ đã bỏ quên một thùng Kinh. Tôi bảo:

“Bỏ quên kinh chẳng có gì quan trọng. Điều quan trọng chính là không có ai trong các con bị bỏ quên”. Năm người đi thọ giới và nay năm người đều đã trở về. Sao vậy? Vì tôi đã mua bảo hiểm ở chư vị Bồ – tát, nên để cho bất kỳ ai bị bỏ sót lại là điều không thể chấp nhận được. Nếu một người không về, tức là chư vị Bồ – tát không thực hiện đúng hợp đồng. Thế nên tôi rất tin tưởng rằng tất cả các giới tử sẽ trở về và dịch vụ bảo hiểm của chư vị Bồ – tát không cần phải thanh toán hợp đồng.

Quí vị nên nhớ một điều. Những người thọ giới Cụ túc trở về hôm nay là những vị Tổ khai sơn của Phật giáo Mỹ quốc. Đừng xem việc này đơn giản. Điều này rất chân thực. Đừng như những kẻ tự cho mình là Phật tử, chỉ nằm ở nhà mà thích gọi mình là “Tổ tại gia”. Thực vậy, cách đây vài hôm, có một vị Tổ sư tự phong đến đây và muốn hát tặng cho tôi nghe. Tôi giễu cợt ông ta: “Thật chán khi nghe ông hát”. Ông ta chỉ bật lên: “ồ!”, một tiếng rồi bỏ đi.

Phạt ma ra là “Hàng ma kim cang hộ pháp”, tay cầm bánh xe bằng vàng. Vị hộ pháp này có thể hoá thân lớn như núi Tu Di.

Phạt ma ra. Hán dịch là “Tối Thắng Ly Cấu”, có nghĩa đó là pháp thù thắng nhất, xa lìa tất cả mọi cấu nhiễm ở thế gian. Còn có nghĩa là “vô tỷ như ý”. Vì không có gì có thể sánh với pháp này và tuỳ tâm nguyện của mình mà mọi điều xảy ra như ý muốn.

Đây là Hoá cung Điện thủ nhãn ấn pháp. Nếu quí vị hành trì được ấn pháp này thành tựu, thì đời đời quí vị sẽ được sống cùng một trụ xứ với đức Phật (như trong một cung điện), không còn phải thọ sinh vào các loài thai sinh, noãn sinh và thấp sinh nữa. Công dụng của sự thành tựu ấn pháp này là đời đời được sống cùng chư Phật.

35. Mục đế lệ

Mục đế lệ là Dương chi thủ nhãn ấn pháp của đức Phật. Đó là nhánh cây mà quí vị thường thấy Bồ – tát Quán Thế Âm cầm ở một tay, còn tay kia Bồ – tát cầm một tịnh bình. Nhành dương này được Bồ – tát nhúng vào tịnh bình rồi rưới lên cho tất cả mọi chúng sinh bị đau khổ. Nước này không như nước thường. Đó là nước cam lồ. Chúng sinh nào được nước này tưới nhuận sẽ có nhiều lợi lạc. Nước cam lồ có thể giúp cho mọi chúng sinh thoát khỏi khổ luỵ đói khát và bản tâm đạt được thanh lương.

Mục đế lệ còn dịch nghĩa là “giải thoát”. Đó là giải thoát khỏi mọi khổ nạn, bệnh tật và chướng ngại. Nên Bồ – tát Quán Thế Âm thường dùng Dương chi thủ nhãn ấn pháp này để giúp giải thoát cho chúng sinh khỏi mọi bệnh tật, khổ nạn và những điều bất như ý. Bề ngoài, chú này dường như không có gì quan trọng lắm, nhưng một khi quí vị công phu hành trì ấn pháp này thành tựu rồi, thì không những quí vị có thể giúp giải thoát cho chúng sinh khỏi bệnh tật và khổ nạn mà còn có thể hàng phục cả thiên ma ngoại đạo. Khi những thiên ma ngoại đạo được thấm nhuận nước cành dương này, họ tự nhiên hồi tâm hướng thiện, thực hành theo chánh pháp. Do vậy, Dương chi thủ nhãn có diệu dụng vô cùng vô tận, không thể nghĩ bàn.

Giọt nước cam lồ từ bàn tay Bồ – tát Quán Thế Âm không những chỉ giúp cho quí vị thoát khỏi mọi bệnh tật, khổ nạn mà còn có một diệu dụng khác, khi một người sắp chết, nếu có phước duyên, được Bồ – tát Quán Thế Âm rảy nước lồ thì có thể sống lại. Tất cả các loài cây cỏ thảo mộc đã khô héo nếu được nước cam lồ tưới xuống cũng được hồi sinh. Cây cỏ là loài vô tình, mà khi được nước cam lồ tưới tẩm còn được nảy mầm, đơm hoa, kết trái như vậy nên chúng sinh là loài hữu tình sẽ được lợi lạc biết bao. Đó là diệu dụng của Dương chi thủ nhãn ấn pháp.

36. Y hê y hê

Y hê y hê là Độc lâu trượng ấn thủ nhãn ấn pháp. Hán dịch là “thuận giáo”.

Nghĩa là một khi quí vị nhờ ai làm việc gì đó, họ đều ưng thuận. Khi quí vị dùng chánh pháp để giáo hoá, họ đều vâng lời. Câu chú này còn dịch là “tâm đáo”. Nghĩa là trong tâm hành giả ước nguyện điều gì, nhờ năng lực của chú này đều được thành tựu. Câu chú này khiến cho Ma – hê – thủ – la vương, là một Thiên ma ngoại đạo thường cho rằng mình là vĩ đại nhất, cũng phải cung kính chắp tay đến nghe lời chỉ giáo khi nghe có người trị tụng thần chú này, không dám trái nghịch. Thế nên khi quí vị trì niệm câu Y hê Y hê, thì Ma – hê – thủ – la vương liền đến, bất kỳ tâm nguyện của hành giả như thế nào, vị này liền thi hành ngay, đáp ứng đúng như sở nguyện của người trì chú.

37. Thất na thất na

Câu chú này được dịch là “Đại trí tuệ”, cũng dịch là “Hoằng thệ nguyện”. Đây là Bảo cảnh thủ nhãn ấn pháp. Bảo cảnh được ví như Đại viên cảnh trí của chư Phật.

Đại trí huệ là gì? Đó là khi chúng sanh không còn dính mắc vào vọng tưởng nữa. Có đại trí huệ, thì mỗi niệm đều là biểu hiện của trí bát nhã, mỗi tâm niệm đều lưu xuất từ Đại Quang Minh. Nếu quý vị có trí huệ chân chính thì sẽ có được Quang Minh. Còn nếu chưa thể nhập trí tuệ tự tánh, thì vẫn còn trong màn tối tăm của vô minh.

Quang minh là ánh sáng dương, còn bóng tối vô minh là âm. Tại sao người ta ngủ tối? Bởi vì lực âm trồi lên quá mạnh. Do đâu người ta có trí tuệ sáng suốt? Bởi vì ánh sáng dương lớn mạnh hơn.

Những người có trí tuệ không có lối suy nghĩ như những kẻ phàm phu. Họ có khả năng phân biệt rõ ràng chính tà. Họ không cần phải hỏi người khác, họ biết mọi điều ngay nơi tự thân của mình. Họ không đi vào con đường tẻ, họ bước đi vào ngay chính lộ và hạ thủ công phu. Trong khi hành trì, trước tiên quý vị phải đạt được trí tuệ. Rồi quý vị phải biết rõ ràng chính tà để rồi mới tiến vào con đường chánh lộ và tránh con đường tà vạy.

Nhưng quý vị không thể nào biết rõ việc làm nào hư ngụy nên cứ mãi khăng khăng tạo nghiệp ác. Quý vị kôhng thể nào biết được rõ ràng thế nào là phạm giới, nên cứ thế mà làm, ráng hết sức để làm cho được, cứ muốn nhìn cho được dù thực sự đó là những thứ chướng ngại. Những hành vi như thế là sự ngu muội tột cùng, biểu lộ hoàn toàn sự non yếu trí tuệ.

Ồ! Không – Quý vị có thể phản đối – Tôi là người có trí tuệ, tôi chỉ sai lầm trong nhất thời thôi!

Chỉ sai lầm một lần thôi cũng có nghĩa là vô minh, không có trí tuệ rồi. Người có đại trí tuệ không hề có tư tưởng sai lầm. Thế nên Tôn giả A Nan đã phát nguyện:

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng

Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân.

Nghĩa là:

“Giúp cho con tiêu trừ vọng tưởng sai lầm trong muôn ức kiếp”.

Khiến con chẳng cần trải qua a tăng kỳ kiếp mà chứng ngộ được pháp thân”.

Tôn giả đã phát nguyện tiêu trừ vọng tưởng không những chỉ một, hai, ba, bốn, năm hay một trăm kiếp nhưng trong vô số kiếp.

Nhưng tại sao trong tâm ta lại có quá nhiều vọng tưởng như thế? Khi một vọng tưởng đi qua, vọng tưởng khác kế tiếp theo, và khi vọng tưởng ấy tiêu mất, vọng tưởng sau lại sinh khởi tiếp nối. Giống như sóng trên mặt biển. Quý vị cứ nghĩ rằng đại dương là vật vô tình, nhưng thực sự nó chẳng phải là thứ ở ngoài tâm quý vị mà có. Biển cả cũng được lưu xuất từ trong tâm niệm của chúng sanh. Sóng biển không ngừng nổi lên rồi chìm xuống, cũng hoàn toàn giống như vọng tưởng của chúng sanh chẳng bao giờ ngừng. Nó liên tục mãi. Vọng tưởng trước vừa biến mất, vọng tưởng sau liền tiếp nối, vọng tưởng này tiếp nối vọng tưởng kia, xoay vần tương tục, nối theo nhau không dứt, như dòng thác không bao giờ ngừng. Không có vọng tưởng nào muốn rơi lại đằng sau cả, chúng đều hoàn toàn muốn phóng vọt lên phía trước. Vì sao mà quý vị lại mắc phải quá nhiều vọng tưởng như vậy? Chỉ vì không có trí tuệ. Nếu quý vị có trí tuệ, thì chẳng còn mảy may vọng tưởng và sóng cũng không còn xao động nữa. Như trong câu thơ:

Thanh phong đồ lai

Thủy ba bất hưng

Nghĩa là:

“Gió trong lành thổi đến,

Biển không còn sóng xao”.

Khi trong công phu mà quý vị đạt được định lực, cũng như sóng biển đã lặng yên. Khi có được định lực thì nước trí tuệ hiển hiện, không còn một gợn sóng, chẳng còn một niệm vọng tưởng nào nữa. Lúc đó là thanh tịnh chân thực. Đó là lúc:

“Nhất trần bất nhiễm

Vạn lự giai không”

Thực vậy, khi một người không còn bị vướng dù chỉ một hạt bụi vô minh thì chẳng còn phải lo nghĩ một điều gì nữa cả, mọi thứ trên đời này đều là không. Đó chính là biểu hiện của đại trí tuệ.

Người có trí tuệ thường thành công trong bất kỳ mọi việc, còn người thiếu trí tuệu thường bị thất bại trong bất kỳ việc gì mà họ nhúng tay vào. Do vậy nên trí tuệ là vô cùng quan trọng.

Ngu muội là gì? Vô minh chính là ngu muội. Ngu muội cũng chỉ là từ vô minh mà ra. Khi vô minh sinh khởi, con người hoàn toàn bị mất sáng suốt. Quý vị hãy hỏi một người vừa mới làm một việc sai lầm xong thì rõ:

– Tại sao anh lại làm việc đó?

Họ sẽ trả lời:

– Tôi không rõ nữa …

Đó chính là do ngu muội, do sự thiếu sáng suốt, thiếu trí tuệ. Nhưng dù họ hành động mê lầm do vô minh, nhưng họ lại không chịu từ bỏ vô minh. Họ lại khăng khăng:

– Tôi biết chứ. Tôi biết nó sai mà! Thật là quái lạ. Con người mê muội chỉ do vì không có trí tuệ, không đạt được Đại viên cảnh trí, vì họ không chịu công phu hành trì Bảo cảnh thủ nhãn ấn pháp. Nếu họ tu tập ấn pháp này, thì sẽ không còn ngu muội nữa; bất luận chuyện gì xảy ra. Đó là khi:

Phùng quỷ sát quỷ

Phùng Phật sát Phật

Đây cũng như việc cầm một cây dao thật bén, chặt ngay mọi vọng tưởng vừa lóe lên. Đại trí tuệ cũng như một con dao bén hay còn được ví như thanh gươm.

Quý vị có thể nói: “Gươm trí tuệ rất nặng, không, không dễ gì cầm kiếm ấy được”! Đó là vì quý vị chưa từng cầm nó. Thực ra, sử dụng kiếm này chẳng cần sử dụng chút sức lực nào cả. Nếu quý vị chưa từng cầm nó lên thì thấy nó quá nặng. Nếu quý vị đã cầm lên rồi, thì thấy nó nhẹ. Nếu quý vị không chịu cầm lên, thì nhẹ biến thành nặng. Nếu quý vị chịu cầm lên, thì nặng biến thành nhẹ. Sao vậy? Vì quý vị đã cầm lên rồi!

Nếu quý vị nói: “Tôi biết rằng gươm trí tuệ rất quan trọng, nhưng quá nặng. Tôi không thể nhấc lên nổi”. Và quý vị không sờ tới gươm. Thế nên gươm trí tuệ càng nặng thật. Nhưng một khi quý vị đã sờ vào kiếm, đã vung gươm lên rồi thì mọi sự hiểu biết đều bén nhọn như lưỡi gươm, chẳng còn một chút rắc rối nào nữa cả. Thế nên tôi thường nói với quý vị rằng:

“Mọi việc đều tốt đẹp cả”. Chính là phát xuất từ đạo lý này. Nếu quý vị gặp nhiều việc rắc rối, là vì quý vị không có thanh gươm trí tuệ. Nếu quý vị có được thanh kiếm trí tuệ ấy, thì sẽ chẳng còn chuyện gì rắc rối nữa cả. Màu nhiệm là ở điểm này.

Núi sông đất liền, lâu đài nhà cửa, thế giới y báo cũng như chánh báo đều không vượt ra ngoài tâm niệm hiện tiền của chúng ta.

Cái gì là thế giới ý báo? Núi sông, đất liền, lâu đài nhà cửa gọi là thế giới y báo. Thế giới chánh báo là thân tâm của chúng ta, chính là nơi mà con người chúng ta thọ nhận sự báo ứng. Nếu quý vị đã hiểu được sự báo ứng khi chính mình thọ nhận, nghĩa là quý vị không còn vô minh nữa. Không còn vô minh nghĩa là có trí tuệ. Điều này được ví như tấm gương:

Vật lai tắc ánh

Vật khứ tắc không.

Nghĩa là: “Vật đến liền chiếu. Vật biến hoàn không”. Tấm gương chẳng lưu giữ dấu vết gì cả. Kẻ trí thường thản nhiên với mọi chuyện và cứ để nó trôi qua mà lòng chẳng còn vướng bận điều gì.

Mặc dù kẻ trí chẳng lưu giữ điều gì lại trong lòng, nhưng mọi vật thường tự hiển bày. Và mặc dù nó thường tự hiển bày nhưng chẳng hề bị vướng mắc.

Chúng ta là hàng phàm phu, chưa có được đại trí tuệ, phải nỗ lực vượt bậc để thường nhớ trì tụng chú Đại Bi, hoặc thường niệm câu: “Y hê, y hê, thất na, thất na”.

Khi đã tụng một lần rồi là không còn quên nữa, đã tụng được hai, ba lần, vài trăm lần rồi thì chẳng thể nào quên được nữa. Đó là phải cố gắng để ghi nhớ. Còn khi quý vị chỉ cần nhìn hoặc nghe lướt qua một lần rồi nhớ mãi không quên, chẳng cần phải dụng công ghi nhớ nữa, đó là khi trí tuệ của quý vị chiếu sáng như một đài gương trong.

Người có trí tuệ đều biết rằng mọi hiện tượng đều lưu xuất từ tự tâm của mình. Nếu quý vị hiểu được điều này thì mình sẽ không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Sao vậy? Vì mọi sự việc đều lưu xuất từ tâm mình, nên những thứ vui buồn giận ghét đều là sở hữu của chính mình. Dù nó tốt hay xấu, cũng chẳng có vấn đề gì cả.

Mặc dù nói về cảnh giới ấy thì rất dễ, nhưng tiếp xúc với cảnh giới ấy không phải dễ dàng gì, cần phải có công phu mới tiếp xúc được với cảnh giới ấy. Những người không có công phu sẽ nói:

“Đối với tôi, chẳng có vấn đề gì rắc rối cả”.

Bên ngoài thì như thế, nhưng vấn đề rắc rối đang phát sinh và chống đối với nhau ở bên trong. Những người có trí tuệ chân chính thì rất hiếm.

Quý vị cũng nên phân biệt rõ trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thến gian. Trí tuệ thế gian còn gọi là Thế trí biện thông, là có thể nhào nặn ngay ra một đạo lý khi nào cần đến. Nơi nào không có đạo lý, họ có thể tạo dựng ra, khiến mọi người nghe rất hợp lý. Những kẻ mê muội nghe họ nói liền nghĩ rằng:

“Ồ! Họ đề cập đến những đạo lý rất đúng”. Thực ra, nếu quý vị có được trí tuệ chân chính, quý vị sẽ không bị đắm chìm trong mớ lý luận ngu muội của họ. Người ta thường nói: “Trong dương có âm”.

Cũng vậy, trong trí tuệ cũng có sự ngu muội – sự ngu muội một cách trí tuệ. Mặt khác, trong âm có dương. Bên trong sự ngu muội ẩn chứa một trí tuệ. Chẳng hạn như quý vị có thể thấy một người chẳng nói năng gì cả, dường như là kẻ quê mùa dốt nát, nhưng anh ta làm những việc chân chính. Anh ta có thể hiện thân một kẻ hồ đồ mê muội, nhưng luôn luôn ứng xử khế hợp với đạo lý. Có rất nhiều người như vậy.

Khi quan sát người khác, quý vị sẽ tự chiêm nghiệm ra chính tự thân mình có được trí tuệ sáng suốt hay không. Nếu quý vị có trí tuệ chân chính, thì quý vị không bị người klhác sai sử, dẫn dắt đến chỗ sai lầm. Còn nếu quý vị không có trí tuệ, quý vị sẽ bị người khác xui khiến làm điều xằng bậy.

Trí tuệ và ngu muội có một mối quan hệ trực tiếp. Đó là hai mặt của một chỉnh thể. Vắng bóng vô minh thì trí tuệ hiển bày. Và vô minh sinh khởi khi thiếu vắng trí tuệ. Trong vô minh có trí tuệ và chính trong trí tuệ có bóng dáng của vô minh. Sao lại như thế? Vì trí tuệ và vô minh là một. Nếu quý vị biết vận dụng, thì đó là trí tuệ. Còn nếu không biết vận dụng thì đó là vô minh. Chẳng hạn như khi quý vị nâng thanh gươm trí tuệ lên thì đó chính là trí tuệ; còn khi quý vị buông thanh gươm ấy xuống thì đó là vô minh. Đó không phải là hai mà chỉ là một. Thế nên quý vị đừng bao giờ nói rằng mình đang đi tìm kiếm trí tuệ và đang xua đuổi vô minh. Không ai làm được việc ấy bao giờ. Chủ yếu chỉ là sự “hồi đầu”.

Có thể lấy ví dụ của bàn tay để biểu tượng cho trí tuệ và mặt kia là biểu hiện cho vô minh. Nếu quý vị muốn cầm nắm một đồ vật bằng mặt kia của bàn tay thì không thể nào làm được cả, nhưng nếu quý vị dùng chính bàn tay của mình thì mới lấy được đồ vật. Việc không lấy được đồ vật là biểu tượng cho vô minh và việc sử dụng bàn tay để lấy được vật là biểu tượng cho trí tuệ. Đó là hai khía cạnh của chỉ một ý nghĩa chung nhất, tùy thuộc vào sự vận hành của quý vị.

Có người lại nói: “Nay tôi đã hiểu rồi. Vô minh và trí tuệ chính là bàn tay của tôi”. Lại sai lầm nữa! Bàn tay chỉ là ví dụ. Đừng nên cho rằng trí tuệ và vô minh chính là bàn tay. Cũng giống như ví dụ ngón tay và mặt trăng (trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm). Đức Phật lấy ví dụ dùng ngón tay để chỉ cho người thấy mặt trăng. Đừng nhầm lẫn ngón tay chính là mặt trăng.

Thất na thất na là “đại trí tuệ” và còn có nghĩa là “hoằng thệ nguyện” – là phát nguyện rộng lớn. Khi muốn hoàn thành một việc gì, phải phát thệ nguyện làm cho đến cùng. Như đức Phật A Di Đà trước khi thành chánh giác, khi đang tu tập nhân địa với hình tướng của một Tỳ kheo, Ngài đã phát 48 lời nguyện rộng lớn. Bồ tát Phổ Hiền cũng đã phát 10 Đại nguyện Vương. Bồ tát Quán Thế Âm cũng phát vô số lời nguyện cũng như các vị Tổ sư đã từng phát nguyện. Tôi đang giảng cho quý vị nghe về việc phát đại nguyện. Còn có lập nguyện được hay không là do ở quý vị. Tôi đưa đề tài này ra giảng vì tôi đoán chắc là quý vị chưa được thông hiểu. Nhưng không phải là tôi bắt buộc quý vị phải phát nguyện. Nay quý vị đang tu học Phật pháp, mỗi người nên tự mình lập hạnh nguyện, càng lớn càng tốt. Lập nguyện càng lớn thì sự thành tựu càng cao. Hiện nay chúng ta đều đang tu nhân và chưa ai thành Phật cả, chúng ta nên phát lời nguyện ở nơi nhân địa mà tu hành. Mỗi người nên viết rà lời nguyện của mình thật chi tiết. Đừng phát nguyện một cách hời hợt, qua loa, cho có nguyện mà phải thiết thực như: “Con nguyện cứu độ tất cả mọi loài chúng sanh”.

Thật chứ? Làm sao quý vị có thể độ chúng sanh được. Khi suốt ngày quý vị cứ tìm mọi cách để được ăn ngon, mặc đẹp, ở nơi xa hoa tráng lệ. Việc cứu độ chúng sanh trước hết là độ chúng sanh nơi cái miệng chuyên nói lời vọng ngôn của quý vị, độ cái bụng ham ăn, độ cái thân ham thích sung sướng của chính mình trước đã. Cho nên quý vị phải thẳng thắn và minh bạch trong khi phát nguyện. Hiện tại mình phát nguyện gì? Tương lai sẽ ra sao? Như ở trong quá khứ, chúng ta có thể quên lãng những gì đã từng ứng dụng tu hành. Nhưng trong tương lai chúng ta sẽ thực hành điều gì? Mỗi người Phật tử đều phải nên có lời phát nguyện. Nay ở trong nhân địa, lời phát nguyện càng lớn thì trong tương lai, kết quả sẽ càng cao. Nếu quý vị đặt tất cả nguyện lực của mình vào một lỗ chân lông, thì quý vị có thể phát một thệ nguyện lớn ngay từ trong lỗ chân lông.

Phát nguyện là một lời hứa thiêng liêng mà mọi người Phật tử đều nên thực hiện. Phát nguyện rất quan trọng, vì không có nó cũng như không có người hướng dẫn. Giống như đi đường mà không biết mình sẽ đi hướng nào, chẳng biết nên rẽ phải hay nên quẹo trái để đến đích. Nếu quý vị phát nguyện, cũng như khi du lịch có người hướng dẫn đường đi và nơi đến.

Tại sao chư Phật và chư Bồ tát đều phát nguyện khi tu đạo? Vì khi đã phát nguyện rồi, mình mới tự mình hành động tương ứng với nguyện đã lập. Ví dụ như Bồ tát Địa Tạng khi tu hành ở nhân địa, Ngài đã phát lời nguyện vĩ đại:

…“Địa ngục vị không

Thệ bất thành Phật

Chúng sanh độ tận

Phương chứng Bồ đề”.

Nghĩa là:

“Chúng sanh độ hết

Mới chứng Bồ đề

Địa ngục nếu còn

Con chưa thành Phật”.

Nguyện lực này cực kỳ vĩ đại. Chúng ta cũng nên phát nguyện. Mỗi quý vị nên phát một hạnh nguyện phù hợp với những việc hằng ngày quý vị thích làm.

38. A ra sam Phật ra xá lợi

A ra sam dịch là “Chuyển luân pháp vương”, tức là vị Đại Pháp Vương thường chuyển cỗ xe đại pháp, thường tuyên thuyết diệu nghĩa Đại thừa. Giáo nghĩa này thậm thâm vi diệu, không ai có thể diễn nói tường tận được, nhưng hiện nay quý vị đang được nghe giảng từng chi tiết rõ ràng.

Đó là ý nghĩa của câu chú này. Đây là “Chưởng thượng hóa Phật ấn thủ nhãn ấn pháp”. Quý vị nên hành trì ấn pháp này. Khi thành tựu rồi, đời đời khi được sinh ra liền thân cận bên Phật để học hỏi giáo pháp.

Có rất nhiều cách để giảng giải chú Đại Bi. Chẳng hạn có một vị pháp sư khác giảng mỗi thủ nhãn này là danh hiệu của một vị Bồ tát. Chẳng hạn vị ấy cho rằng: Chưởng thượng hóa Phật thủ nhãn này là Chưởng thượng hóa Phật Bồ tát. Đây chính là trường hợp sai một ly đi một dặm. Sao vậy? ở đây hoàn toàn chẳng có một vị Bồ tát nào cả. Quý vị có thể đọc hết cả Tam tạng kinh điển nếu quý vị muốn nhưng sẽ chẳng thấy vị Bồ tát nào có danh hiệu là Chưởng thượng hóa Phật Bồ tát cả.

Có thể nói như thế này: Chưởng thượng hóa Phật thủ nhãn ấn pháp là pháp tu của chư vị Bồ tát, chứ không thể gọi đó là Chưởng thượng hóa Phật Bồ tát. Nếu gọi như thế là một sai lầm.

Nên khi nói Bảo bát thủ nhãn ấn pháp quý vị có thể hiểu rằng: Bảo Bát ấn pháp là pháp tu của chư vị Bồ tát. Còn Bảo Bát không phải là danh hiệu của một vị Bồ tát. Mới đây tôi được xem qua bộ “Đại Bi Kinh giảng nghĩa” ở Hồng Kông gửi sang, trong kinh này họ đã giảng bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp là danh hiệu của bốn mươi hai vị Bồ tát. Đó hoàn toàn sai lầm. Bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp trong kinh là các pháp tu của hàng Bồ tát. Người học Phật pháp nên ghi nhớ kỹ điểm này, không nên xác tín mà không căn cứ trên sự thực hiển nhiên. Trong khi giải thích Phật pháp cho người nghe, quý vị phải có một lập trường vững chãi, chính xác về những gì mình đưa ra, còn không quý vị sẽ phạm sai lầm.

A ra sam là Chưởng thượng hóa Phật thủ nhãn ấn pháp mà các vị Bồ tát đều phải tu hành.

Quý vị lại hỏi: “Bồ tát nào?”

Đây chẳng phải là một vị Bồ tát nào riêng biệt cả. Bất kỳ người nào hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp thì người ấy chính là Bồ tát. Bất luận người nào không tu tập bốn mươi hai ấn pháp thì người ấy không phải là Bồ tát. Nếu quý vị tu tập bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp được thành tựu thì có thể minh chứng rõ ràng quý vị đã dự vào hàng Bồ tát rồi.

Phật ra xá lợi dịch là “giác thân tử”. Đây là Sở châu thủ nhãn ấn pháp hoặc là Niệm châu ấn pháp, là pháp môn của chư vị Bồ tát tu tập. Khi Bồ tát tu tập thủ nhãn này thành tựu, thì chư Phật trong mười phương nhiếp thọ và tiếp dẫn hành giả đến các thế giới Phật khắp trong mười phương.

39. Phạt sa phạt sâm

Phạt sa, phạt sâm dịch là “Hoan ngữ hoan tiếu”. Có nghĩa là rất hoan hỷ khi giảng nói. Còn dịch nghĩa là “Đại trượng phu” và “Vô thượng sĩ”.

Đây là Bảo cung thủ nhãn ấn pháp. Khi hành trì thành tựu ấn pháp này, nếu là người tại gia thì có thể được làm quan cận thần, người xuất gia có thể chứng được quả vị A la hán.

40. Phật ra xá da

Ở câu trên, Phật ra xá lợi. “Xá lợi”dịch nghĩa là “Giác thân tử”. Còn trong câu Phật ra xá da, “xá da” dịch là “Tượng”: con voi. Nghĩa là khi quý vị đã giác ngộ rồi, thì tâm thể quý vị được ví như một con voi chúa, còn được gọi là Pháp vương tử. Quý vị có thể là Pháp vương tối cao trong tất cả các pháp môn. Nói chung, ý nghĩa của câu chú này là: Tâm giác ngộ như một tượng vương cao quý.

Phật ra xá da là nói về bổn thể của đức Phật A Di Đà. Đức Phật A Di Đà là bổn sư của Bồ tát Quán Thế Âm. Vì Bồ tát Quán Thế Âm tỏ lòng tôn kính đức bổn sư của mình nên Bồ tát đã đảnh lễ đức Phật A Di Đà trong khi tuyên thuyết chú Đại Bi. Nên đức Phật A Di Đà phóng hào quang để tiếp độ cho người trì chú này.

Phật ra xá da là Tử liên hoa thủ nhãn ấn pháp. Trong bốn mươi hai thủ nhãn, có Bạch liên hoa thủ nhãn, Thanh liên hoa thủ nhãn, Hồng liên hoa thủ nhãn ấn pháp. Khi hành trì thành tựu các ấn pháp này, hành giả sẽ được diện kiến mười phương chư Phật. Vì vậy Tử liên hoa thủ nhãn ấn pháp rất trọng yếu.

Tiếp theo: Phần 5 bài giảng giải Chú Đại Bi
Trở về: Phần 1 bài giảng giải Chú Đại Bi