Những điều kiêng kỵ trong cưới hỏi

Chia sẻ ngay

Cưới hỏi là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời của mỗi con người. Vì thế, trong dân gian có rất nhiều điều kiêng kỵ trong việc cưới hỏi với mong muốn hạnh phúc sẽ vững bền cho đôi lứa.

1347072431_news

Kiêng lấy người không hợp tuổi

Người xưa thường tin rằng khi kết hôn, nếu vợ chồng hợp tuổi nhau thì sẽ chung sống hòa thuận, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn và thuận lợi. Ngược lại, nếu vợ chồng không hợp tuổi sẽ khó có được hạnh phúc, thậm chí còn phải chịu cảnh biệt ly, sầu não.

Theo quan niệm dân gian, những tuổi sau thuộc “tứ hành xung”, không hợp với nhau:

– Dần, Thân, Tỵ, Hợi
– Tý, Ngọ, Mão, Dậu
– Thìn, Tuất, Sửu, Mùi

Những đôi trai gái mà có tuổi xung khắc với nhau thì gia đình khó yên ấm. Tuy nhiên, có trường hợp tuổi xung nhưng mệnh lại hợp. Vì vậy, khi tính tuổi hôn nhân, người ta không chỉ dựa vào tuổi mà còn xem xét nhiều yếu tố khác như ngày sinh tháng đẻ với lý luận tương sinh, tương khắc và tương hỗ trong thuyết âm dương ngũ hành.

Nếu đôi uyên ương nào đó có ngày sinh tháng đẻ phù hợp, ngũ hành cân đối hài hòa mà kết hôn với nhau thì có thể hưởng hạnh phúc trọn đời.

Không cưới vào năm Kim Lâu

Khi xem xét tuổi cưới, người ta thường căn cứ vào ngày sinh tháng đẻ của cô dâu. Năm kim lâu là năm mà cô dâu có số tuổi với đuôi là 1, 3, 6, 8. Người ta cho rằng nếu cưới hỏi vào năm kim lâu thì sẽ gặp nhiều rủi ro trong quan hệ vợ chồng, hôn nhân dễ tan vỡ, khó nuôi con, vợ chồng khắc khấu, lục đục, hay cãi cọ… Vì thế, người ta thường tránh tổ chức đám cưới vào năm kim lâu. Tuy nhiên, một số người cho rằng với năm kim lâu vẫn có thể cưới được nếu qua ngày Đông chí.

Cách tính Kim Lâu như sau:

  • Nam: Lấy số tuổi (tính theo tuổi các cụ [tuổi mụ]) chia cho 9, số dư mà = 1, 3, 6, 8 thì là phạm Kim Lâu (tính để xem tuổi làm nhà, sửa nhà)
    • Nếu dư 1 là phạm Kim lâu thân (Gây tai hoạ cho bản thân người chủ)
    • Nếu dư 3 là phạm Kim lâu thê (Gây tai hoạ cho vợ của người chủ)
    • Nếu dư 6 là phạm Kim lâu tử (Gây tai hoạ cho con của người chủ)
    • Nếu dư 8 là phạm Kim lục súc (Gây tai hoạ cho con vật nuôi trong nhà); Riêng cái này có phạm cũng không sao nếu bạn không phải người kinh doanh chăn nuôi hoặc quá yêu quý động vật
  • Nữ: Lấy số tuổi (tính theo tuổi các cụ [tuổi mụ]) chia cho 9, số dư mà = 1, 3, 6, 8 là phạm Kim Lâu (tính để xem tuổi lấy chồng)
  • Tóm lại – Các tuổi Kim Lâu cần tránh: 12, 15, 17, 19, 21, 24, 26, 28, 30, 33, 35, 37, 39, 42, 44, 46, 48, 51, 53, 55, 57, 60, 62, 64, 66, 69, 71, 73, 75.

Không cưới khi nhà đang có tang

Khi nhà đang có tang, điều kiêng kỵ là không nên tổ chức các cuộc vui. Đám cưới là việc “hỷ” nên đương nhiên phải hoãn lại, chờ đến khi hết tang mới được tổ chức.

Theo quan niệm dân gian, con cái phải để tang cha mẹ 3 năm, cháu để tang ông bà một năm. Ngoài ra còn yêu cầu cụ thể thời hạn để tang với những người khác trong gia đình.

Chính vì điều kiêng kỵ này nên mới xuất hiện hình thức “cưới chạy tang”. Khi trong nhà có người ốm sắp mất (hoặc có người đã mất nhưng chưa phát tang) thì lập tức nhà trai mang lễ vật sang nhà gái xin hỏi cưới. Lúc này, đám cưới sẽ được tiến hành nhanh chóng trong nội bộ hai gia đình. Khách mời chỉ giới hạn là những người ruột thịt hoặc thân thiết.

Không mời cưới khi chưa tổ chức lễ ăn hỏi

Đây là điều kiêng kỵ dành cho nhà gái. Thông thường, nhà trai sẽ ấn định ngày cưới dựa trên cơ sở thỏa thuận, đồng ý của nhà gái. Ngày ăn hỏi, hai bên gia đình sẽ ấn định một lần cuối về ngày cưới. Trước lễ ăn hỏi, nhà trai có thể mời cưới họ hàng, bạn bè xa gần nhưng nhà gái chỉ được mời sau lễ ăn hỏi, nếu không sẽ bị chê là “vô duyên”, “chưa ai hỏi mà đã cưới”.

Tuy nhiên, ngày nay, để tiết kiệm thời gian và chi phí, nhiều gia đình thường tổ chức ăn hỏi và tiệc cưới liền ngày nhau nên nhà gái khó tránh khỏi việc mời cưới trước.

Kiêng cưới vào những ngày không tốt

Việc hôn lễ phải được tổ chức vào “ngày lành, tháng tốt”. Ngày cưới đẹp thường được chọn là ngày hoàng đạo, kiêng tổ chức vào những ngày tam tai, sát chủ…. Nếu cố tình cưới vào những ngày kiêng kỵ này thì vợ chồng sẽ đứt gánh giữa đường, không có con hoặc thường xuyên xảy ra lục đục.

Dân gian còn kiêng tổ chức đám cưới vào “ngày cùng tháng tận”, nên người ta thường ít tổ chức cưới xin vào tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Tháng 7 có sự tích ông Ngâu, bà Ngâu lấy nhau rồi mà phải chia ly, thời tiết lại mưa dầm dề nên dù trong tháng có ngày Hoàng đạo người ta cũng kiêng tổ chức cưới hỏi. Ngoài ra, việc chọn ngày cưới còn phụ thuộc vào tuổi cô dâu. Nếu tuổi khác nhau thì việc chọn ngày cũng khác nhau.

Kiêng đổ vỡ đồ vật trong đám cưới

Đám cưới là ngày vui của hai họ nên đông người, vì thế chuyện đổ vỡ các đồ vật cũng rất dễ xảy ra. Vì vậy, gia chủ và khách đến dự đám cưới cần chú ý việc giữ gìn đồ vật vì nếu xảy ra việc đổ vỡ là điềm không tốt cho đôi vợ chồng trẻ.

Trong đám cưới, kỵ nhất là việc vỡ gương, vỡ cốc hay gãy đũa. Nếu trong đám cưới mà xảy ra những chuyện như vậy thì người ta rất lo sợ, thậm chí còn phải làm lễ giải hạn. Chuyện đổ vỡ là điềm báo cho cuộc sống hôn nhân sẽ không suôn sẻ, dễ chia ly…

Kiêng mẹ cô dâu đưa con gái về nhà chồng

Thời phong kiến, con gái thường kết hôn theo kiểu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Trong gia đình, người cha thường quyết định mọi việc còn người mẹ cứ thế mà làm theo. Vì thế mới xảy ra trường hợp mẹ thương con gái đi làm dâu vất vả, khổ sở mà khóc lóc… Vì thế, người ta thường kiêng không cho mẹ cô dâu đưa con gái về nhà chồng.

Thời nay, hôn nhân tự do, trai gái kết hôn với nhau dựa trên cơ sở tình yêu đôi lứa, cha mẹ chỉ tham gia góp ý, chỉ bảo. Do đó, trong đám cưới không còn cảnh mẹ con ôm nhau khóc lóc. Tuy nhiên, điều kiêng kỵ này cho đến nay vẫn được mọi người tuân theo.

Mẹ chồng kiêng chạm mặt con dâu khi đoàn rước dâu vừa về tới nhà

Khi đoàn rước dâu về tới đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi lánh mặt đi chỗ khác để cô dâu bước vào nhà. Điều này ngụ ý rằng: mẹ chồng vẫn muốn nắm quyền hành trong nhà, không muốn con dâu thay thế. Theo quan niệm dân gian, bình vôi là biểu hiện của tài sản trong nhà. Hình thức nắm giữ bình vôi chính là nắm giữ tài sản.

Ngày nay, tục ăn trầu đã mai một dần, vì thế những gia đình không có bình vôi thì mẹ chồng có thể cầm chùm chìa khóa để thay thế. Khi hai họ đã yên vị được một lúc thì mẹ chồng mới xuất hiện để đón con dâu và đi chào, cảm ơn hai họ. Người ta còn giải thích việc mẹ chồng phải tạm lánh mặt con dâu là do sợ kỵ vía. Sau khi con dâu làm lễ gia tiên nhà chồng thì mẹ chồng mới xuất hiện.